NFI: Quốc hội Hoa Kỳ cần bãi bỏ chương trình kiểm soát cá tra
Các chính trị gia, học giả và nhiều blogger trên khắp nước Mỹ đang nóng lên với những rắc rối mà chương trình kiểm soát cá catfish gây ra tại Quốc hội Hoa Kỳ. Hiệp hội Thuỷ sản Hoa Kỳ (NFI) là một thành phần trong làn sóng kêu gọi bãi bỏ chương trình này.
"Chúng tôi đang vận động hành lang để bãi bỏ chương trình thanh tra và đang làm cho những người trong Nhà Trắng hiểu về nó. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang có một đợt sóng phản đối chương trình này", Gibbons, giám đốc truyền thông của NFI cho biết. NFI đang có ba nhà vận động hành lang tại thủ đô Washington.
Hiện nay, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm thanh tra cá catfish nhập khẩu, do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) buộc phải trì hoãn thực hiện chương trình kiểm soát cá catfish đã nêu trong Dự luật Nông nghiệp 2008.
Trong trường hợp yêu cầu bãi bỏ chương trình nay không thành công, sẽ có tới ba cơ quan là FDA, Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) và USDA cùng kiểm soát cá catfish nhập khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ là một đòn đánh trực tiếp vào các nhà nhập khẩu cá tra với hàng loạt yêu cầu có tính chất cản trở nhập khẩu”.
Không những thế, theo Gibbson, cả ngành thủy sản cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. "Trước mắt, các nhà nhập khẩu cá tra sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng những người sản xuất cá nheo trong nước sẽ không dừng lại ở đó. Họ còn nghĩ đến cả những loài cá khác, mà trước hết là cá rôphi."
Rất có thể xảy ra phản ứng mạnh từ nước xuất khẩu như Việt Nam. Việt Nam đã cảnh báo về một cuộc chiến thương mại phản đối chương trình thanh tra này và cho rằng chương trình thanh tra của USDA chính là một rào cản thương mại bất công đúng với định nghĩa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Nếu chương trình này được phép tồn tại thì số người bị thua thiệt sẽ lớn hơn rất nhiều so với số người thắng cuộc, vì chỉ có một số ít nhà cung cấp cá nheo trong nước có lợi, trong khi phần lớn cộng đồng thủy sản bị thiệt hại và cả cộng đồng nông nghiệp Mỹ cũng như vậy."
Các hãng thông tấn còn đưa ra một lý lẽ thuyết phục khác để xoá bỏ chương trình này, đó là những phí tổn về mặt ngân sách tài chính.
Các cơ quan thông tấn như Fox News, US News and World Reportm The Wall Street Journal và các blog của các nhà chính trị đã công kích rất mạnh chương trình này, gọi đó là một sự hoang phí. Báo cáo của cơ quan giám sát chi tiêu chính phủ (GAO) phát hành hồi tháng 3 cũng ủng hộ những phản đối trên. Báo cáo đã phát hiện chương trình này trùng lặp với các chương trình hiện có của liên bang trong khoản chi 14 triệu USD của chính phủ và của ngành.
Cũng theo GAO, các quan chức FDA và Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS) cho biết, việc kiểm soát thêm không cải thiện gì về an toàn thực phẩm nhưng lại mâu thuẫn với việc áp dụng các yêu cầu phân tích mối nguy của FDA.
FSIS cho rằng mối đe dọa lớn nhất về an toàn thực phẩm của cá catfish là nhiễm khuẩn Salmonella, nhưng GAO phát hiện cơ quan này đã sử dụng "thông tin lỗi thời và hạn chế" để làm cơ sở cho chương trình kiểm soát.
Theo Gibbons, yêu cầu bãi bỏ chương trình kiểm soát cá catfish “không còn là vấn đề về cá catfish, mà là (một cuộc đầu tranh) về thương mại”.