Ngậm ngùi "cá bụng"
Một thời dân miền Tây làm giàu với nghề nuôi “cá bụng” (cá ba sa), nhưng theo thời gian, loài cá đặc sản này dường như chỉ còn trong ký ức.
Thời hoàng kim
Tại Công viên TP.Châu Đốc (An Giang) vẫn còn sừng sững tượng đài cá ba sa cao khoảng 14 m được xây dựng năm 2004. Trên đỉnh tượng đài là hình ảnh con cá ba sa to, nhô đầu như lao lên mặt nước, bên dưới là những con cá tra nhỏ bơi uốn lượn quanh, hợp thành đàn 9 con biểu tượng 9 dòng sông như in đậm thời hoàng kim cá bụng. Người dân gọi là cá bụng vì là họ cá da trơn nhưng cá ba sa cụt đòn và có cái bụng mỡ trệ xuống như đang bầu bì. Còn ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lý giải gọi tên cá ba sa vì mỡ cá có hình giống sa mỡ heo và có đến 3 thùy nên gọi tên “ba sa”.
Nhắc đến cá bụng, ông Nguyễn Hữu Nguyên (ngụ An Giang) buồn vui lẫn lộn, bởi loài cá này từng giúp ông có của ăn của để. Ông nói cá bụng được nuôi ở ngã ba sông Hậu (TP.Châu Đốc) từ những năm 1970 và mở đầu cho phong trào nuôi cá bè xuất khẩu cũng như tạo tên tuổi cho làng bè du lịch Châu Đốc. Những năm 1990 của thế kỷ 20, nghề nuôi cá bụng cho lợi nhuận cao nên lắm người nhảy vào đóng bè nuôi cá. Chỉ riêng tại Châu Đốc đã có hơn 500 bè nuôi cá bụng đậu ken đặc cả đoạn sông Hậu.
Theo ông Nhị, cá ba sa lúc đầu chỉ tiêu thụ nội địa. Năm 1990, nhờ hợp tác của một Việt kiều Mỹ mà lần đầu tiên thịt cá phi lê xuất vào thị trường Mỹ với tên “Ba Sa”. Do chất lượng cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng nên sản lượng tăng nhanh. Năm 1993, An Giang có 7.000 lao động tham gia ngành nuôi và chế biến cá ba sa, thả nuôi khoảng 700 tấn cá bột, sản lượng cá thương phẩm đạt 13.000 tấn, chiếm 72% tổng sản lượng cá bè nuôi tại ĐBSCL.
Đệ nhất cá da trơn
Nhắc đến cá bụng, thầy giáo Hùng dạy học ở H.Tịnh Biên (An Giang) vẫn không quên được mùi vị ngon của nó. Đó là những năm 1990 - 1992, lúc thầy theo học ở Trường CĐ Sư phạm An Giang (nay là ĐH An Giang), sinh viên trọ trong ký túc xá hầu như cứ vào tháng 10 - 11 thường ra các quán cơm đối diện cổng trường gọi ăn cá bụng. Một phần ăn có cá bụng khoảng 3.000 - 5.000 đồng nhưng lúc đó thường ăn cái bụng mỡ vì phần thịt cá đã bán phi lê xuất khẩu.
Còn với ông Nhị, món sơn hào hải vị nào cũng từng nếm qua nhưng ông thú thực “mấy năm nay tao thèm ăn cá ba sa mà tìm mua khó quá”. Ông Nhị trách, ai cũng nói cá bông lau là đệ nhất cá da trơn nhưng danh xưng này phải dành cho cá ba sa mới đúng. Ông nói cá ba sa có chất omega 3 rất cao so với các giống cùng loài, nhất là mỡ của nó không tanh mà thơm như mỡ heo.
Cùng tiếc nuối xưa, anh Tùng, thợ câu cá bụng chuyên nghiệp ở TX.Tân Châu (An Giang), kể ngày xưa cứ mùa nước đổ, khúc đầu nguồn sông Tiền vui như hội. Tháng 6 - 7 âm lịch, cá bụng bằng ngón tay theo lũ bơi xuống, dân câu đậu ghe, xuồng ken kín bắt cá bán cho các bè nuôi từ 8.000 - 10.000 đồng/con. Giành mua cá, các chủ bè đưa tiền trước “dụ” ngư dân bán cá giống, vậy nên nghề câu cá bụng là một trong những nét sinh hoạt đặc thù của mùa nước nổi. Anh Tùng thở dài: “Gần đây vào mùa lũ, cá bụng giống vẫn bơi lội nhưng dân câu không quan tâm nữa, bởi câu được bán cho ai đây!”
Ông Nguyên nói ngày xưa người ta đổ xô nuôi cá ba sa, bây giờ số người nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhưng đếm trên đầu ngón tay. Vì sao loài cá vang danh một thời lại chết yểu? Theo ông Nhị, trong khi cá ba sa xuất khẩu sản lượng tăng nhanh thì các khách hàng từ Mỹ gợi ý đưa cá tra vào lấy tên “Ba Sa”, bán cá tra bằng giá cá ba sa nên lời khủng. Cá ba sa nuôi 1 năm mới xuất bè, còn cá tra 6 tháng xuất được rồi nên từ nuôi cá ba sa chuyển sang nuôi cá tra bè. Chưa đủ cá tra bán, người ta đào ao nuôi cá tra và cá ba sa thoái trào. Ông Nhị than: “Cá ba sa chết không lâu thì con cá tra cũng bết bát. Bức xúc nhất là việc gian lận đánh tráo cá tra bằng cá ba sa làm cho cá này còn không mấy người nuôi và ngoài tự nhiên thì cạn kiệt. May mà tượng đài cá ba sa được xây dựng để ghi công ngư dân Châu Đốc đã đem ngoại tệ từ nghề nuôi cá này làm giàu cho đất nước”.