TIN THỦY SẢN

Ngăn chặn cá tầm nhập lậu

Nuôi cá tầm tại Đà Lạt (ảnh do các đơn vị kiến nghị cung cấp) Tuấn Kiệt

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, các nhà sản xuất nuôi trồng cá tầm tại Tây Nguyên, các nhà phân phối thủy hải sản tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Nam bộ vừa gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh tình trạng cá tầm nhập lậu xuất xứ Trung Quốc đang gây nguy hại đến thị trường cá tầm trong nước và yêu cầu sự hỗ trợ của Nhà nước dẹp tình trạng này.

Theo đơn kiến nghị, thời gian gần đây, hàng ngày có từ 2 - 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP. Hồ Chí Minh qua sân bay Tân Sơn Nhất và bán ra thị trường với giá rất thấp, chỉ từ khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá cá tầm được sản xuất trong nước và đang được bán ra tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Để chứng minh cho số lượng cá tầm đang nhập vào TP. Hồ Chí Minh không phải là cá tầm được sản xuất trong nước mà là cá tầm có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc, đơn kiến nghị chỉ rõ, hiện nay, các nhà sản xuất cá tầm tại miền Bắc chỉ có quy mô nhỏ, sản lượng thấp, chưa đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc nên không thể vận chuyển đi các vùng miền khác. Hơn nữa, cá tầm sản xuất tại miền Bắc đã có giá bản sỉ tại hồ khoảng 150.000 - 160.000 đồng/kg nên không thể vận chuyển bằng đường hàng không vào TP. Hồ Chí Minh mà lại bán với giá thấp dưới giá bán sỉ tại miền Bắc. Ngoài ra, các nhà sản xuất khối lượng lớn cá tầm trong nước hiện nay đều tập trung tại các hồ ở Tây Nguyên cũng khẳng định rằng, việc vận chuyển cá tầm về TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn bằng đưòng bộ vì giá thành rẻ hơn vận chuyển bằng đường hàng không. Theo đó, số lượng cá tầm hàng ngày đang được nhập vào TP. Hồ Chí Minh không phải là cá tầm được sản xuất trong nước mà là cá tầm có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

Điều này cũng đã được ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) khẳng định, CITES Việt Nam chỉ mới cấp phép cho một doanh nghiệp nhập khẩu trứng và cá tầm giống. Với cá tầm thương phẩm, CITES Việt Nam chưa hề cấp giấy phép nhập khẩu nào.

Tình trạng cá tầm nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào nước ta ngày càng phổ biến không những đang làm tê liệt mạng lưới phân phối cá tầm trong nước, đe dọa đến sự tồn tại của các nhà sản xuất, khiến hàng ngàn nông dân bị mất việc làm, mà còn là mối hiểm họa khôn lường đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, đại diện các đơn vị trên kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương tăng cường việc chỉ đạo công tác chống buôn lậu cá tầm Trung Quốc; tăng cường các trạm kiểm dịch tại các khu vực cửa khẩu; giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay cho cá tầm nhập lậu vào Việt Nam...

Tuấn Kiệt