Ngăn chặn nhập khẩu tôm: Trung Quốc có vi phạm quy tắc của WTO?
Chính sách đình chỉ nhập khẩu tôm của Trung Quốc có vi phạm các quy tắc của WTO hay không?
Theo chính quyền Trung Quốc, việc tạm thời đình chỉ nhập khẩu tôm từ một số quốc gia dựa trên căn cứ sản phẩm tôm này nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm theo xét nghiệp của chính Trung Quốc.
Những tháng cuối năm 2019, các công ty cung cấp sản phẩm tôm trị giá hàng trăm triệu USD cho Trung Quốc đã bị chặn xuất khẩu sang nước này. Chính quyền Trung Quốc cho biết các lô hàng đã được xét nghiệm dương tính với bệnh virus đầu vàng (YHV), virus hội chứng đốm trắng (WSSV) và virus bệnh hoại tử (IHHNV). Tập đoàn Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia của Ả Rập Xê-út (NAQUA) và ba nhà xuất khẩu lớn nhất của Ecuador, một số công ty của Việt Nam nằm trong số những người bị đình chỉ xuất khẩu.
Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng ngành sản xuất tôm thế giới vì cho rằng nước này vi phạm các hiệp ước thương mại của WTO, lợi dụng quy tắc về đình chỉ nhập khẩu liên quan đến kiểm soát mầm bệnh vật nuôi để ngăn chặn nguồn tôm từ các nước khác.
Theo đúng nguyên tắc, Trung Quốc phải kiểm tra các sản phẩm tôm trong nước và ngăn chặn việc buôn bán tôm nếu chúng dương tính những virus tương tự họ đã đưa ra trong lệnh chặn nhập khẩu. Trong khi trên thực tế, tôm nhiễm WSSV và IHHNV đang được buôn bán bình thường ở Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã dỡ bỏ việc đình chỉ nhập khẩu từ Omarsa chỉ một tuần sau khi áp đặt lệnh cấm, nhưng lệnh đình chỉ đối với các công ty Việt Nam vẫn có hiệu lực. Trong khi đó, Ecuador phải đối mặt với việc kiểm tra chặt chẽ hơn khi nhập cảnh tại các cảng Trung Quốc.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất
Trung Quốc không phải là nước duy nhất dùng cách này. Ấn Độ cũng có lệnh cấm nhập khẩu tôm bố mẹ từ Thái Lan với lý do EMS có mặt ở nước này. Lệnh cấm vẫn được áp dụng mặc dù chính Ấn Độ hiện cũng có dịch EMS.
Việc cấm nhập khẩu tôm tiêu dùng vì lý do dịch bệnh được dùng trong nhiều trường hợp, mặc dù sản phẩm mang mầm bệnh "không có nguy hiểm đáng kể" đối với trữ lượng tôm bản địa. Hầu hết các quốc gia đều bỏ qua quy tác rằng “các biện pháp kiểm dịch động-thực vật phải được áp dụng mà không tạo nên sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế”, dù tất cả thành viên tham gia WTO đều đã ký kết.
Khu nuôi tôm ở thành phố Xuân Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: HelloRF Zcool/ Shutterstock
Trong hầu hết các trường hợp, động cơ đằng sau các lệnh cấm như vậy là để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước chống lại các sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn hoặc vượt trội hơn. Nếu các nước xuất khẩu bị thiệt hại muốn phản kháng, họ có thể kiện lên Tòa án Thương mại Thế giới, nhưng thường sẽ mất nhiều năm mà không lại kết quả rõ rệt, vì thế để tránh vấn đề thêm gay gắt, các quốc gia này thường sẽ chọn cách im lặng chờ lệnh đình chỉ được dỡ bỏ.
Quy tắc của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE)
Hiên tại OIE có Bộ luật sức khỏe động vật thủy sản cung cấp các khuyến nghị chi tiết về các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học đối với việc buôn bán động vật thủy sản quốc tế. Bộ quy tắc này giúp ngăn chặn sự lây lan các mầm bệnh trên thủy sản giữa các quốc gia và cũng giúp hạn chế cạnh tranh thương mại không lành mạnh.
Các bệnh YHV, WSSV và IHHNV được đề cập trong một chương cụ thể của Bộ luật thủy sản và các thông báo về bệnh, các nước thành viên phải báo cáo về bệnh "minh bạch, kịp thời và nhất quán". Các nước thành viên của OIE có trách nhiệm thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế OIE có liên quan ở cấp quốc gia.
OIE hỗ trợ việc thực hiện các tiêu chuẩn này thông qua động thái xây dựng những bộ quy tắc để cải thiện hoạt động kiểm tra, giám sát về thú y và sức khỏe thủy sản ở từng quốc gia. Tuy nhiên, OIE cũng khẳng định, họ không có nhiệm vụ và sẽ không can thiệp vào vấn đề thương mại song phương của các nước.
Theo Louis Harkell - The Undercurrent News