TIN THỦY SẢN

Ngân hàng đất Cà Mau đề xuất cho thuê đất để...gỡ vốn

Toàn bộ diện tích ngân hàng đất ở Đầm Cùng, Trần Thới, Cái Nước. Ảnh: Báo Cà Mau Hoài An

Khu vực hơn 111.000 mét vuông dùng làm ngân hàng đất đang bỏ hoang nhiều năm nay, nếu tính ra giá cho thuê để nuôi thuỷ sản mỗi năm Nhà nước đã thất thu khoảng 200 triệu đồng.

Khu vực đất quy hoạch làm ngân hàng đất thuộc Tiểu vùng X - Nam Cà Mau trên địa bàn ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước là công trình quy mô nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm hiện tại. Khi bắt đầu quy hoạch khu vực ngân hàng đất trên địa bàn, người dân rất phấn khởi. Nhưng đã hơn 3 năm qua, cả chục ngàn mét vuông đất bỏ hoang, phía mấy công trình lộ cỏ mọc um tùm, cầu cảng lún sụt.

Theo mục tiêu đề án, ngân hàng đất sẽ là khu chứa từ 50.000-70.000m2/năm. Nguồn đất lấy để dự trữ, tập kết cho ngân hàng được lấy từ nguồn khai thác nạo vét hệ thống kênh thuộc dự án Tiểu vùng X - Nam Cà Mau. Ngoài ra, dự kiến ngân hàng này còn lấy thêm phần đất nạo vét hàng chục ngàn khối mỗi năm từ phía sông Bảy Háp (đoạn từ ngã ba Đầm Cùng, huyện Cái Nước đến cửa biển Rạch Chèo, huyện Phú Tân).

Ngân hàng đất là mô hình được học hỏi ở Hà Lan. Với mong muốn sẽ thu gom đất sau khi người dân sên vuông tôm và Nhà nước khai thông các tuyến kênh thuỷ lợi ở Tiểu vùng X - Nam Cà Mau, sau đó sản phẩm tận thu sẽ bán ra làm vật liệu trong xây dựng công trình và san lấp mặt bằng.

Thế nhưng, khi đặt vấn đề phương pháp tiếp cận, tận thu lượng đất, bùn ở Tiểu vùng X - Nam Cà Mau về ngân hàng đất thì Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi Trần Quốc Nam vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Trong khi đề án đã và đang trình UBND tỉnh phê duyệt, hoạt động, vận hành.

Trên thực tế, Tiểu vùng X - Nam Cà Mau có diện tích tự nhiên đến 8.800 ha, bao gồm hệ thống sông ngòi chằng chịt, bao quanh là hệ thống đê bao và lộ nông thôn. Nếu dùng xe ben lưu thông vào các tuyến lộ nông thôn để chở đất sau khi nạo vét về ngân hàng, liệu kết cấu hạ tầng gồm mặt đường và cầu, cống khu vực Tiểu vùng X - Nam Cà Mau có đảm bảo?

Nếu dùng sà lan loại 40-80 tấn để vận chuyển bằng đường thuỷ cũng khó khả thi trong khi tiểu vùng bao gồm nhiều loại kênh thuỷ lợi ở cấp độ, mức nước sâu và hệ thống cầu, cống có độ thông thuyền, giãn thuyền khác nhau?

Còn lượng bùn phải tận thu từ việc sên vuông tôm của người dân, không lẽ phải cặp sà lan để chờ người dân sên vét đổ vào rồi chờ trầm lắng như hút cát ở sông Tiền, sông Hậu?

Mặt khác, nhìn từ tổng quan, hiện khu vực ngân hàng đất phân chia thành 4 ô vối tổng diện tích trên 111.000 m2, việc này rất khó cho vấn đề vận chuyển đất sau khi tận thu và cả vấn đề chuyển đi bán san lấp khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. “Giao thông trong ngân hàng phải tính lại. Cần có những đường nhỏ, đường gom phân khu nhỏ hơn”, ông Trần Quốc Nam phân tích. Nhưng nếu phải làm thêm đường thì cần thêm kinh phí.

Đầu tháng 5/2020, khu vực ngân hàng đất phía cầu cảng 100 tấn nằm mặt sông Bào Chấu đã có hiện tượng lún, nứt và tuyến đường nhựa lưu thông xuống cảng cũng loang lổ những vũng nước (ổ gà). Những dấu hiệu này đang cho thấy các hạng mục công trình ngân hàng đất đã thi công cách nay 3 năm đang hư hỏng, xuống cấp. Còn phía các cổng rào vẫn đóng im ỉm, bỏ mặc dây leo bao lượt tươi xanh rồi tàn úa; mặc cho bề mặt rào chắn bằng sắt đang bị ô-xy hoá, gỉ sét hàng ngày.

Theo ước tính của người dân địa phương, cả khu vực hơn 111.000m2 dùng làm ngân hàng đất đang bỏ hoang nhiều năm nay, nếu tính ra giá cho thuê để nuôi thuỷ sản mỗi năm Nhà nước đã thất thu khoảng 200 triệu đồng. Bởi khu vực này thuận tiện cả đường bộ lẫn đường thuỷ, và giá hiện hữu thuê 1.000m2 đất nuôi thuỷ sản là 1,7 triệu đồng/năm.

Phía Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi cũng đề xuất phương án cho thuê ngân hàng đất với giá khởi điểm 1,33 tỷ đồng/năm và cho thuê thời hạn 10-20 năm. Sau khi khấu trừ toàn bộ chi phí theo quy định của Bộ Tài chính trong hoạt động cho thuê tài sản công, mỗi năm phương án này ngân hàng đất sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước chưa tròn 200 triệu đồng.

Theo Báo Cà Mau

Hoài An