Ngân hàng nên “tiếp hơi” cho người nuôi cá tra
Dư nợ cho vay toàn ngành thuỷ sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần 74.000 tỉ đồng (tính đến hết tháng 9.2012), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011. Nợ xấu trên toàn địa bàn cũng tăng đáng kể, lên đến trên 9.000 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2011.
Những con số này làm phát sinh những nghi vấn về tổng dư nợ trong lĩnh vực cá tra tại các ngân hàng thương mại trong cùng thời gian trên với hơn 33.500 tỉ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, nhưng nghề nuôi cá tra vẫn bị “tuột dốc” vì đang bị thiếu hụt vốn.
Riêng với con cá tra, “cần phải có biện pháp để giải quyết cho người nuôi cá vay vốn nuôi vụ tiếp theo khi họ đã bán cá mà chưa thu được tiền, hoặc họ được thế chấp sản lượng cá đang nuôi để vay vốn mua thức ăn cho cá.
Bên cạnh đó, nếu có cơ sở chứng minh là doanh nghiệp chế biến đang chiếm dụng vốn của người nuôi (nợ tiền mua cá thời gian dài), ngân hàng đang cho vay vốn cần giảm hạn mức tín dụng tương ứng với số tiền mà doanh nghiệp đó đang chiếm dụng”, ông Nguyễn Ngọc Thạch, giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị như vậy với đoàn công tác của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong chuyến làm việc tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua.
Người nuôi cá tra bị kiệt sức
Giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ đang ở mức 18.500 – 19.000 đồng/kg khiến không ít người nuôi cá tra đang cố đeo bám nghề nuôi nhằm mục tiêu gỡ nợ. Ông Nguyễn Văn Mách, người nuôi cá tra ở xã Tân Thành (huyện Lai Vung – Đồng Tháp) đã thế chấp tài sản trị giá gần 4 tỉ đồng để vay 1 tỉ đồng từ ngân hàng nhằm đầu tư nuôi 200 tấn cá tra nguyên liệu mỗi vụ.
Tuy nhiên, với giá thức ăn nuôi ở mức 12.500 đồng/kg, hệ số chuyển hoá thức ăn từ 1.5 trở lên… thì để có 1kg cá, chỉ riêng tiền thức ăn đã tốn tối thiểu 19.000 đồng, như vậy, “Lỗ lã từ nghề nuôi cá tra sẽ bằng khoản thâm hụt đầu tư so giá bán cộng với lãi tiền vay ngân hàng”, ông Mách nhẩm tính.
Theo ông Mách, hầu hết người nuôi cá tra đều phải thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, nhưng tới khi bán cá, đại diện bên mua chỉ ghi giấy tay nhận nợ, hẹn sẽ thanh toán sau một tháng trở lên, “nhưng mình làm sao biết được họ có thiện chí trả nợ hay không. Nếu họ giựt luôn thì mình cũng bó tay”, ông Mách ngao ngán nói.
Do vậy, ông Mách cho rằng, nợ vay quá hạn của người nuôi cá tra thường là do mắc nợ dây chuyền. Trong khi người đi vay buộc phải có trách nhiệm với nợ quá hạn của mình tại ngân hàng, thì con nợ của mình – đơn vị mua cá, vẫn cứ ung dung, thích thì họ trả sớm, nếu không thích thì họ neo nợ dài dài, thậm chí nhiều người nuôi cá còn bị giật nợ.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã thuỷ sản Thới An (quận Ô Môn – Cần Thơ) – người vừa được tổ chức quốc tế hợp tác xã Thuỷ sản trao tặng giải thưởng hợp tác xã xuất sắc nhất ở Việt Nam vì sự phát triển thuỷ sản cho rằng, con cá tra không tự chết như hiện tại, mà chính do lòng tham của một số cá nhân đã giết chết nó.
Ông Hải cho biết: “Họ mượn danh cá tra để vay tiền rồi mua sắm hoặc đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, nhưng cuối cùng họ thất bại, nợ nần lung tung, nên con cá tra phải chịu mang tiếng xấu”. Tuy vậy, ông Hải chia sẻ: “Tui mới vay lại đợt rồi, lãi suất tiền vay nuôi cá tra từ trên 14% giảm xuống còn 12%, nên đã giúp người nuôi cá như tụi tui dễ thở hơn chút đỉnh, tuy nhiên, ngân hàng cần nên có mức lãi suất phù hợp hơn để hỗ trợ người sản xuất khi giá cá ngày một giảm”. Theo ông Hải, lúc này, các ngân hàng nên ưu tiên hỗ trợ cho người nuôi cá tra bằng cách cân đối lãi suất cho vay ở mức vừa phải so với lãi suất huy động.
Nên học cách làm của Đồng Tháp
Mặc dù tham gia nuôi cá tra ở Cần Thơ, nhưng ông Nguyễn Ngọc Hải rất tâm đắc và bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, ông Nguyễn Ngọc Thạch nêu trên. Theo ông Hải, nếu kiến nghị này thông qua ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được Chính phủ chấp thuận sẽ là một sự thừa nhận hợp pháp tài sản của người nuôi cá, đồng thời qua đó cũng có biện pháp cụ thể để “trừng phạt” những doanh nghiệp làm ăn không minh bạch.
Ở tỉnh Đồng Tháp, thực tế trong năm 2012 cho thấy: đã có gần 1.950ha ao nuôi cá tra thương phẩm, dẫn đầu ở khu vực miền Tây Nam bộ về số diện tích ao nuôi cá tra. Trong khi đó, thống kê của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho thấy: dư nợ cho vay đến hết tháng 12.2012 đạt 5.969 tỉ đồng, tăng 1.915 tỉ đồng, riêng dư nợ cho vay cá tra chiếm 5.368 tỉ đồng, tăng 1.815 tỉ đồng so thời điểm đầu năm.
Cũng vào thời điểm này, có 59 doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh đã được cho gia hạn 19 tỉ đồng nợ vay, trong đó có 17 tỉ đồng nợ vay được cho gia hạn sáu tháng, còn lại là nợ được gia hạn từ 6 – 12 tháng. Riêng phần vốn phát vay theo chỉ đạo Chính phủ, từ ngày 15.8 – 31.12.2012, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Tháp đã cho 10.091 khách hàng sản xuất, chế biến cá tra vay mới 3.769 tỉ đồng, trong số này có hơn 99% là hộ cá thể. Dư nợ trong kỳ ở mức 3.854 tỉ đồng, trong đó có 3.573 tỉ đồng nợ ngắn hạn, còn lại là nợ vay trung, dài hạn. Điều đáng chú ý là, trong kỳ này, chỉ có khoảng 20 tỉ đồng được đánh giá là nợ xấu.
Từ cách làm của Đồng Tháp, theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, người nuôi cá tra cần nguồn vốn rất lớn, nhưng phần lớn vốn tự có rất ít, hoặc nếu có cũng đã đầu tư vào tài sản cố định. Theo đánh giá tổng quan của ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, vốn tự có của nhiều hộ nuôi cá tra chỉ chiếm khoảng 20 – 30% tổng nhu cầu. Do vậy, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao do cộng thêm lãi tiền vay, trong khi đó, tài sản đảm bảo nợ vay thường có giá trị thấp. Tài sản hộ nuôi cá chỉ là các ao nuôi, nhưng chỉ được định giá đất theo khung giá Nhà nước, các tài sản khác như: ao nuôi cá trên diện tích đất, đăng quầng… xuống cấp rất nhanh sau từng vụ nuôi; tài sản là cá đang nuôi trong ao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, không đủ điều kiện để các tổ chức tín dụng xác định giá trị đảm bảo tiền vay. Thêm vào đó, sự vận hành của toàn chuỗi giá trị cá tra còn nhiều bất ổn. Do đó, “Ngành cá tra tiếp tục vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững”, ông Thạch nói.
Căn cứ vào quy mô và sản lượng cá tra nuôi trong năm 2013, ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp dự kiến nhu cầu vốn cho hoạt động nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra trong năm nay ước khoảng 4.010 tỉ đồng. Tuy nhiên, “các tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn này”, ông Thạch cam kết.
Về phía các ngân hàng, ông Võ Ngọc Diệp, giám đốc ngân hàng cổ phần Công thương, chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong quá trình tiếp cận khách hàng thương mại, các tổ chức tín dụng luôn ưu tiên cho những khách hàng được đánh giá là khách hàng có phương án sử dụng vốn tốt, hội đủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Cần tốn 1,6kg thức ăn cho 1kg cá tra thương phẩm
Giá thức ăn nuôi cá tra vừa tăng thêm 300 đồng/kg và đang ở mức 12.800 đồng/kg (loại 26% đạm). Theo nhiều người nuôi cá, các chỉ số đạm thành phần mà nhà sản xuất ghi trên bao bì là lượng đạm tổng hợp, trong thực tế, tỷ lệ đạm tiêu hoá được trên thức ăn nuôi cá tra thường thấp hơn mức công bố của nhà sản xuất. Chính vì vậy, để có được 1kg cá tra thương phẩm người nuôi thường phải mất bình quân 1,6kg thức ăn.