TIN THỦY SẢN

Ngành cá tra: Khó hơn để bền vững hơn

Việc Mỹ tăng thời hạn kiểm soát cá tra, dù tới đây tình hình xuất khẩu có khó hơn, nhưng nhân đây, ngành cá tra có hội sắp xếp lại, đi vào quy củ, bền vững hơn. bài, ảnh Thư Đặng

Việc kiểm tra 100% lô hàng sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho con cá tra tại thị trường Mỹ. Từ chỗ có hàng trăm doanh nghiệp xuất cá tra vào Mỹ, đến năm 2017 này, con số chỉ còn ba doanh nghiệp và sau vụ kiểm tra 100% lô hàng tới đây, không biết còn bao nhiêu công ty trụ lại được ở Mỹ?

Tuần qua, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đón nhận thêm thông tin không mấy lạc quan, đó là việc Mỹ quyết định kiểm tra 100% các lô hàng cá da trơn nhập khẩu sớm một tháng, bắt đầu từ 2/8, thay vì 1/9 như dự kiến.

Quyết định kiểm tra 100% lô hàng cá tra của Việt Nam, xuất phát từ nguyên nhân trước đó các cơ quan chức năng kiểm ngẫu nhiên một số mẫu và phát hiện nhiều vi phạm. Theo quyết định này, từ 2/8 tới đây, tất cả các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước khi đưa ra thị trường nội địa Mỹ phải được kiểm tra tại các i-house (các trạm kiểm tra chính thức được điều hành bởi các công ty kho lạnh tư nhân và do bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ định) về chất lượng sản phẩm, tiêu chí an toàn thực phẩm…

Hiện, một số doanh nghiệp đang xuất khẩu cá tra vào Mỹ như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Biển Đông đã có động thái tăng cường kiểm soát các nguy cơ ngay tại hệ thống ao nuôi, nhà máy chế biến nhằm giảm rủi ro hàng sang Mỹ bị trả về. Các giải pháp đó là tăng cường lấy mẫu kiểm tra tại hầm cá, kiểm tra nhiều tiêu chuẩn, chỉ tiêu cùng một lúc, tỷ lệ dư lượng cho phép ở mức thấp hơn nhiều so với trước đây. Con cá về đến nhà máy, chế biến ra philê cũng được lấy mẫu không chỉ ngẫu nhiên mà lấy có chủ đích nhiều mẫu trong một lô hàng để kiểm tra. Kiểm tra lần một chưa phát hiện thì lần hai. Các mẫu cũng được kiểm tra ở nhiều phòng thí nghiệm khác nhau để làm cơ sở đối chứng. Chất lượng con cá tra cũng phải thay đổi, không thể tuỳ tiện quay tăng trọng, mạ băng vô tội vạ như trước mà phải bán “đúng giá trị, chất lượng thực” của nó. Các vi phạm về bao bì, nhãn mác cũng không bao giờ được để xảy ra như trước đây.

Tất nhiên, chi phí, công sức, thời gian cho các giải pháp “kiểm soát nguy cơ” mà doanh nghiệp đang phải bỏ ra là vô cùng lớn. Nhưng đổi lại, theo tiết lộ của các doanh nghiệp, từ nhiều tháng trước, khi biết thông tin Chính phủ sẽ kiểm tra 100% lô hàng cá tra, nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng và chấp nhận giá cao hơn. Trước đây, giá philê cá tra xuất sang Mỹ dao động quanh ngưỡng 2,5 – 3 USD/kg, thì bây giờ, đã vọt lên ngưỡng 4,5 – 5 USD/kg. Mức giá được coi là trong mơ, cao hơn cả thời điểm trước vụ kiện chống bán phá giá năm 2004.

Giá cá tra xuất vào Mỹ tăng đột biến, kể ra cũng là hợp lý, bởi trong đó sẽ phải gánh tất cả các chi phí tăng thêm khi Mỹ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng. Ngoài chi phí tại Việt Nam, nếu kiểm tra 100% thì người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm phí kiểm định mẫu, phí lưu kho, phí trễ đơn hàng và có khi, cả phí rủi ro hàng bị trả về. Nước Mỹ muốn an toàn thì họ phải trả thêm tiền, đó là lẽ thường. Chúng ta cũng đừng lo lắng con cá tra sẽ khó cạnh tranh khi phải “cõng” một khối chi lớn như vậy, bởi ngoài con cá tra, Mỹ cũng đồng thời áp dụng kiểm soát với tất cả các sản phẩm thuỷ sản, thực phẩm của các nước. Chi phí “đội” lên là như nhau. Hơn nữa, cá tra vào Mỹ mấy chục năm nay, đã định hình phân khúc tiêu dùng trong lòng nước Mỹ, giờ muốn thay đổi cũng không dễ.

Như vậy, việc Mỹ tăng thời hạn kiểm soát cá tra, dù tới đây tình hình xuất khẩu có khó hơn, nhưng nhân đây, ngành cá tra có hội sắp xếp lại, đi vào quy củ, bền vững hơn.

Chỉ trong cuối tháng 6/2017, đã có hai trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam bị trả hàng về. Cụ thể, một lô hàng khoảng 38.000kg (84.000 pound) philê cá basa của công ty Vĩnh Hoàn (Việt Nam) đã bị trả lại. Một nhà xuất khẩu khác có tên Cado Holdings cũng phải thu hồi hơn 11.600kg (25.760 pound) philê swai đông lạnh nhập khẩu được phân phối ở các trung tâm thương mại ở Mỹ.

 

bài, ảnh Thư Đặng TGTT