Ngành cá tra rệu rã
Giá xuất khẩu giảm, chi phí đầu vào tăng cộng với tín dụng bất hợp lý đã làm cho người nuôi cá tra đang bị lỗ nặng trong khi đây là mặt hàng độc quyền của Việt Nam trên thị trường thế giới
2012 là năm khó khăn của ngành cá tra khi kim ngạch xuất khẩu giảm, doanh nghiệp (DN) chế biến và người nuôi cá thua lỗ. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị “Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL năm 2012 và kế hoạch năm 2013” tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 25-1, cho rằng cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam, xuất khẩu sang hơn 130 nước nhưng không mang lại lợi nhuận cho người nuôi là điều bất hợp lý.
Người nuôi lỗ 1.000 - 4.000 đồng/kg
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong năm 2012, diện tích nuôi cá tra khu vực ĐBSCL đạt 5.910 ha, sản lượng thu hoạch gần 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỉ USD, giảm 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Giá cá tra nguyên liệu trong năm liên tục giảm mạnh, dao động từ 19.000-24.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện ĐBSCL có hơn 130 DN xuất khẩu cá tra, trong đó có 64 công ty chế biến, 72 công ty thương mại và đang có khoảng 20 công ty chỉ hoạt động cầm chừng do thua lỗ.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: “Trong năm qua, sản lượng cá tra tăng hơn 90.000 tấn nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm, trong khi giá thức ăn lại tăng”.
Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, phân tích: “Liên tục 2 vụ, người nuôi cá tra lại thua lỗ nặng. Hiện nay, họ không còn vốn để nuôi tiếp, ngân hàng lại siết chặt cho vay. Ngành cá tra đang như một trận bóng đá mà không có trọng tài”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng cách làm ăn không minh bạch của một số DN đã làm mất uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì lợi nhuận, không ít DN tiêm hóa chất tạo nước vào cá để tăng trọng lượng, làm giảm chất lượng cá.
Các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đang lỗ nặng. Ảnh: CA LINH
Vốn vay: Chỗ thừa, chỗ thiếu
Báo cáo tại hội nghị, ông Cát Quang Dương, Vụ phó Vụ tín dụng Nhà nước, cho biết trong năm 2012, dư nợ cho vay nuôi và thu mua cá tra đạt hơn 22.700 tỉ đồng, tăng gần 25% so với năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng thông thường các ngân hàng (NH) chỉ cho người nuôi hoặc DN vay trong 4 tháng, trong khi quy trình sản xuất cá tra kéo dài 8-10 tháng.
Ông Dương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các NH thương mại kéo dài thời gian cho vay để phù hợp với quy trình sản xuất. Thời gian vừa qua, nhiều khách hàng nuôi và chế biến cá tra không vay được vốn là do giữa họ với các tổ chức tín dụng không hiểu nhau. NH Nhà nước sẽ chỉ đạo các NH thương mại mạnh dạn cho DN và người nuôi cá tra vay”.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, băn khoăn: “Trong năm qua, dư nợ cho ngành cá tra vay tăng gần 25% nhưng thực tế ngược lại, DN và người nuôi đang cạn kiệt vốn. Cần phải xem lại, mức tăng trưởng này có phải do lãi chồng lãi?”. Theo ông Minh, tỉnh Hậu Giang chỉ có 2-3 DN chế biến và xuất khẩu cá tra, kim ngạch xuất khẩu hằng năm chưa tới 50 triệu USD nhưng làm gì NH cho khu vực này vay đến 2.500 tỉ đồng?
Ngược lại, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra lên đến 1,7 tỉ USD/năm nhưng NH chỉ “bơm” hơn 22.700 tỉ đồng cho ngành này là không tương xứng. “NH cần tìm hiểu để tái cơ cấu cho DN và người nuôi vay. Bộ NN-PTNT, Chính phủ cần sớm có giải pháp ổn định để DN và nông dân nuôi cá tra có lời” - ông Minh đề nghị.
Vốn - đòn đánh cuối cùng TS Võ Hùng Dũng cho rằng thay vì được vay vốn dài hạn, nhiều DN chỉ vay được vốn ngắn hạn để đầu tư nhà máy. Đến khi NH rút vốn, DN gặp khó khăn dẫn đến nợ người nuôi. Người nuôi cụt vốn phải bán đổ bán tháo cá. Có thể nói vốn là đòn đánh cuối cùng làm sụp đổ ngành cá tra. “Hiện nay, tuy chưa có dấu hiệu như Công ty CP Thủy sản Bình An nhưng nhiều DN bên trong đã rệu rã” - ông Dũng cho biết. |