TIN THỦY SẢN

Ngành nuôi trồng thủy sản ứng phó với bão Noru

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia bão Noru đang tiếp tục mạnh lên khi vào đất liền. Ảnh: hanoimoi.com.vn Minh Phàm

Hôm nay 26.9.2022, cơn bão số 4 (Noru) đã tiến vào Biển Đông và trở thành một trong những cơn bão lớn nhất trong năm nay. Vùng gần tâm bão sức gió mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14 và đang tiếp tục mạnh lên khi vào đất liền.

4 giờ sáng nay (26.9), tâm bão số 4 (cơn bão Noru) ở vị trí khoảng 15,6 độ vĩ bắc và 119,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810 km về phía đông. Đây được dự báo sẽ là cơn bão lớn nhất của nước ta trong 20 năm qua và Chính phủ đã có các công điện khẩn cấp nhằm ứng phó với cơn bão Noru này. 

Tại Hà Tĩnh, dự báo thời tiết sắp có mưa lớn, trong sáng 24/9, hơn 55 hộ nuôi cá lồng bè xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã nhanh chóng hoàn thành việc gia cố, kéo lồng bè vào sát bờ, nhằm hạn chế thiệt hại khi tình trạng nước dâng cao, đầy lồng trôi sông. Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trước diễn biến mới của bão, ngành đã gửi công văn về các địa phương yêu cầu triển khai một cách đồng bộ và kịp thời các giải pháp nhằm bảo vệ và giảm thiểu tối đa thiệt hại về diện tích nuôi trồng thủy sản. Theo ghi nhận, hiện nay, các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm trên toàn tỉnh như: Cẩm Hòa, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên); Xuân Phổ, Xuân Hải, Cương Gián (Nghi Xuân); Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hà (Kỳ Anh)... và các địa phương khác đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng bè, hồ nuôi. 

Ông Trần Đình Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, tổng số cá của các hộ nuôi đã đến kỳ thu hoạch, sản lượng đạt gần 8 tấn. Chúng tôi đã tiến hành xuống hướng dẫn cho bà con cách gia cố hồ chứa, lồng bè kỹ càng nhằm bảo vệ tài sản khi cống bara Đò Điệm mở sẽ kéo theo một lượng nước lớn xuống hồ, cùng đó là theo dõi gia cố lại các lồng bè tránh sự ảnh hương của sức nước, sức gió lớn làm lồng bị trôi. Khi có hiện tượng gì đột biến phải báo ngay cho chính quyền địa phương và các ban ngành chuyên môn". 

Người dân Hà Tĩnh gia cố lồng bè để dự phòng cho cơn bão Noru. Ảnh: Tin nhanh

Tại tỉnh Phú Yên, trong chiều ngày 25.9, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão gần trên biển Đông (bão Noru) tại TX. Sông Cầu. Theo UBND TX. Sông Cầu, tối 24.9, lượng mưa tại địa phương này rất to. Cụ thể, khoảng 19 giờ 30 ngày 24.9, do mưa rất lớn, tại khu phố Dân Phước và Vạn Phước, P. Xuân Thành bị ngập úng cục bộ với độ cao khoảng 50cm đã khiến cho khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Địa phương đã huy động tổ chức và kêu gọi lực lượng đến để khai thông các cống lớn để thoát nước. Đến 21 giờ 30 ngày 24.9, nước đã rút hoàn toàn. Đây là địa phương có số lượng lồng, bè nuôi trồng thủy sản nhiều nhất tỉnh Phú Yên nên cần phải đặc biệt quan tâm và chú ý.  

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, chính quyền địa phương tỉnh Phú Yên đang triển khai các biện pháp và yêu cầu người nuôi trồng thủy sản tiến hành gia cố, chằng néo lồng bè, hướng dẫn người dân nuôi lồng bè cách gia cố, tiến hành thả trệt lồng xuống sát đáy để đảm bảo an toàn; tổ chức liên lạc, huy đông lực lượng tuần tra kiểm tra thường xuyên và kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh. Bên cạnh đó chỉ đạo yêu cầu bà con sống ở các lồng bè nhanh chóng chạy vào đất liền trú ẩn và sơ tán khẩn cấp bà con sống gần biển và các khu lồng bè lân cận. 

Cơn bão Noru đổ bộ được dự báo sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại, không chỉ là ngành thủy sản mà còn ở các ngành khác. Chính vì vậy, việc chủ động ứng phó với cơn bão Noru là vô cùng cần thiết, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. 

Bộ phận ứng phó thiên tai tại địa phương tổ chức  trực  ban nghiêm túc, kiểm tra thường xuyên, kịp thời và chủ động báo cáo liên tục tình hình về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. 

Minh Phàm