TIN THỦY SẢN

Ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu: Gỡ khó ra sao?

Trong tình trạng khó khăn chung của ngành thủy sản cả nước, ngành thủy sản tại BR-VT cũng phải đương đầu với nhiều thách thức như nguyên liệu vừa khan hiếm vừa tăng giá, nhân công thiếu, các thị trường lớn đều giảm sản lượng nhập khẩu…

Chế biến thủy sản tại Cty Baseafood.

Theo Sở Công thương tỉnh BR-VT, mức tăng trưởng của ngành thủy sản BR-VT đang có tốc độ thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây và kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm từ 20 - 50% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với sự suy yếu của các DN trong ngành hay những nỗ lực tự thân chưa đủ và các DN đang cần những giải pháp hỗ trợ cụ thể từ chính quyền sở tại.

Nỗ lực giữ thế chủ động

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để tránh bị động và vững vàng vượt qua thách thức, nhiều cơ sở nuôi trồng và nhiều DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh BR-VT đã và đang có những bước đi thích hợp; vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, vừa mở ra những cơ hội mới để tiếp tục phát triển.

Để vượt qua khó khăn, hiện nay nhiều DN thủy sản trên địa bàn tỉnh BR-VT đã tìm cách đẩy mạnh khai thác, tìm kiếm các thị trường mới. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Cty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết: “Trong năm 2012 này, ngoài việc chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, Baseafood sẽ đẩy mạnh xuất khẩu đi tất cả các thị trường. Song song đó, Cty xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu hàng giá trị gia tăng, đầu tư trang bị máy móc hiện đại, nâng dần năng suất lao động, gỡ bài toán thiếu nhân công”. Nhờ chú trọng phát triển thị trường trong nước, mở rộng chuỗi siêu thị bán lẻ tại nhiều địa phương, nên thời gian qua, dù thị trường xuất khẩu thu hẹp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Baseafood vẫn có mức tăng trưởng khá, đời sống của hơn 2 ngàn lao động trong Cty được bảo đảm với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, Basefood đã ký nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... và tìm kiếm nguyên liệu để dự trữ phục vụ sản xuất trong vòng 6 tháng đầu năm.

Vấn đề bức bách nhất hiện nay là vốn và mô hình phát triển bền vững cho ngành thủy sản.

Thời gian qua, tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu diễn ra gắt gao gây khó khăn không nhỏ cho nhiều DN thủy sản, nhất là các DN nhỏ. Trước những khó khăn đó, Cty Thuận Huệ (huyện Đất Đỏ) đã đầu tư 10 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại, tổ chức các mạng lưới thu mua nguyên liệu trong và ngoài tỉnh, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào nhằm nâng cao chất lượng cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng song song với việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu, thay vì chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga như hiện nay.

Các nhà quản lý ngành thủy sản BR-VT cho rằng, với uy tín đã tạo dựng được trong nhiều năm qua cùng với nỗ lực hiện nay, các DN thủy sản của tỉnh này sẽ vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hiện nay để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Chính quyền cùng gỡ khó

Tuy nhiên, những nỗ lực chủ động vượt khó của các DN kể trên và nhiều DN khác nữa vẫn chưa thể là đại diện cho bức tranh tổng thể của ngành thủy sản BR-VT trong thời điểm này.

Theo báo cáo của Sở Công thương và qua phản ánh của các DN, 5 tháng đầu năm 2012, các DN chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nên hiện nay nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Hiện nay, đứng trước những khó khăn, các DN đã đề nghị tỉnh kiến nghị nhà nước giảm thuế thu nhập DN xuống mức 20% vì mức thuế 25% như hiện nay là quá cao; tiếp tục hạ trần lãi suất cho vay xuống dưới 12%/năm; cho phép DN xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ để giảm áp lực lãi suất ngân hàng như hiện nay đồng thời đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn Quỹ Bảo vệ môi trường đề đầu tư hệ thống xử lý chất thải, có biện pháp hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, tăng cường các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Mới đây, tại cuộc họp tìm cách tháo gỡ khó khăn của ngành thủy sản, ông Hồ Văn Niên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh BRVT đã chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan nhà nước xem việc tháo gỡ khó khăn cho DN là nhiệm vụ khẩn cấp, quan trọng nhất từ nay đến cuối năm 2012. Theo đó, tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ DN theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ (về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường), đặc biệt là đối với DN chế biến hải sản. Ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu của DN; Sở Công thương rà soát lại khó khăn của từng DN, tập trung kiểm soát thị trường nguyên liệu hải sản; Sở Lao động Thương binh và Xã hội tìm giải pháp hỗ trợ DN chế biến hải sản tuyển lao động; Ngân hàng nhà nước - chi nhánh BR-VT kiểm soát việc cho vay vốn theo chủ trương hạ lãi suất cho vay của Chính phủ và tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, điều kiện cần và đủ để phát triển mạnh ngành thủy sản VN hiện nay khá căn cơ, bởi tiềm lực từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản của nước ta khá mạnh. hệ thống các DN chế biến thủy sản hùng hậu, có nhiều thương hiệu tên tuổi và thị trường tiêu thụ sản phẩm khá đa dạng. Vấn đề bức bách nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn và tìm ra một mô hình phát triển bền vững cho ngành thủy sản, tạo sự an tâm để các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản đầu tư phát triển quy mô và tiềm năng của mình. Theo đó, các địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý… cần phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển ngành thủy sản một cách hợp lý, tạo vùng nguyên liệu ổn định, vùng chế biến thủy sản tập trung (trong đó chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên, vệ sinh môi trường); có chiến lược đầu tư đúng mức cho ngành thủy sản, từ hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng, con giống, kỹ thuật, công nghệ chế biến, trữ đông; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu cho đến các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm...

Xã luận