Ngành thủy sản Cần điều chỉnh để phát triển bền vững
Sáng 28-10-2016, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phát triển các mô hình thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Bến Tre; ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); các chuyên gia, nhà khoa học về thủy sản từ các viện, trường và hơn 70 nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo. Đây là hoạt động nhằm đánh giá lại các mô hình thích ứng với BĐKH thời gian qua và tìm ra những mô hình tiềm năng mới để bà con nông dân áp dụng cho cuộc sống ổn định hơn trong điều kiện BĐKH hiện nay.
Tiềm năng lớn - rủi ro không ít
Trong khi các nhà khoa học dự báo thì lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quy hoạch theo hướng dịch chuyển mạnh sang hướng phát triển thủy sản để phù hợp với các tiêu cực từ BĐKH và vị trí địa lý tiếp giáp biển với chiều dài hơn 65km... Theo đó, đến năm 2016, tỉnh đã có hơn 46.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản các loại.
Đánh bắt thủy sản từ lâu đã là thế mạnh của tỉnh Bến Tre.
Nhưng BĐKH đã nghiêm trọng hơn mức dự báo trong kịch bản của các nhà khoa học và thực tế thể hiện rõ trong mùa khô năm 2016 (độ mặn 2%o đã bao trùm hầu hết địa bàn tỉnh). Điều đó đã kéo giá trị tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp trong hơn nửa đầu năm 2016 âm gần 7%. Trong đó, ngành thủy sản chịu ảnh hưởng rất nặng nề: 1.800ha tôm biển chậm lớn hoặc mất trắng, hơn 1.550ha tôm càng xanh cũng chịu cảnh tương tự; thiệt hại gần 150ha cá tra, 15ha cá bản địa, 40ha nghêu và hơn 20ha hàu.
Bên cạnh những bất lợi do BĐKH, ngành thủy sản còn đối mặt với nhiều rủi ro khác từ con người gây nên. “Tôi ví dụ như ngành chức năng rất khó kiểm soát giống tôm biển khi chúng du nhập vào tỉnh, chỉ vì các quy định pháp luật quá lỏng lẻo, chế tài quá nhẹ. Cùng với đó, môi trường sinh thái vùng nuôi thường xuyên biến động về độ mặn, ngọt do BĐKH gây ra và điều đó gây khó khăn cho định hướng phát triển bền vững đúng với quy hoạch. Thị trường thức ăn thủy sản, thuốc không kiểm soát được và nghiêm trọng nhất là người dân chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường nuôi. Bên cạnh đó, do những hạn chế về tài chính nên việc đầu tư hạ tầng để phát triển lĩnh vực này chưa như mong muốn. Thị trường luôn biến động tiêu cực mà chưa kiểm soát được... Và tôi nghĩ chúng ta cần làm nhiều hơn nữa!”, ông Huỳnh Văn Cung - quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) thẳng thắn nhìn nhận.
Theo ông Cung, tuy việc điều chỉnh quy hoạch, thay đổi vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến tính định hướng phát triển, ổn định lâu dài, nhưng sẽ khó tránh khỏi, chỉ vì để giảm nhẹ rủi ro cho việc canh tác của người nông dân.
Chấn chỉnh toàn diện
Trước bối cảnh khó khăn đó, ngành nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng hành với người nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại địa phương. Ông Châu Hữu Trị - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết, do tác động của BĐKH và dịch bệnh nên thời gian qua, trong chương trình hoạt động, ngành đã cố gắng thông qua việc xây dựng các mô hình, tập huấn, đã chuyển giao những kỹ thuật canh tác mới kết hợp với canh tác truyền thống để giúp bà con tăng năng suất, giảm rủi ro nhằm từng bước ổn định cuộc sống.
Theo ông Trị, tôm biển điều chỉnh chỉ nuôi trong 2 chu kỳ/năm, trong đó, tôm sú chỉ nuôi mật độ từ 15 - 20 con/m2 nước, tôm thẻ từ 40 - 60 con/m2 nước, cùng với kết hợp với quy trình sinh học nuôi trong ao nhỏ (dưới 2.000m2). Cùng với đó, đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi trong cùng diện tích, tập trung vào những chủng loại ít bệnh, biên độ sinh thái cao nhưng có giá trị cao và thị trường tiêu thụ rộng. Cụ thể như nuôi ghép cá rô phi với tôm biển; tôm càng xanh với tôm biển; cua với tôm rừng; đặc biệt là luân canh tôm biển kết hợp vụ lúa mùa… đã có hiệu quả khá cao và gây hiệu ứng trong dân rất tốt. Đến nay, con tôm biển - một trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã từng bước đi vào quỹ đạo trong chuỗi giá trị liên kết theo định hướng của Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về “xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” .
Đánh giá cao cách mà Bến Tre đã làm trong thời gian qua để ứng phó với BĐKH và rủi ro về dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho nông dân khi biến động tiêu cực về thị trường nhưng TS. Nguyễn Văn Hảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho rằng, bà con nông dân cần tự trang bị sự hiểu biết tối thiểu về kiến thức khoa học trong kỹ thuật, đặc biệt là về môi trường nuôi. Bởi, hiện nay vì thiếu hiểu biết nên hầu hết nông dân đều luôn phải chịu chi phí sản xuất quá cao không cần thiết, nghiêm trọng hơn chính là đã đẩy môi trường nuôi ngày càng trở nên tồi tệ.
“Khi được mời dự hội thảo về giải pháp kỹ thuật của khuyến nông thì nông dân tự động đi chứ không phải chờ có phong bì đến nhà mới chịu đi như hiện nay ngành thủy sản mới có triển vọng phát triển bền vững thật sự. Nhưng cũng cần nói thêm là nếu không có những kết quả nghiên cứu khoa học hiệu quả thật sự thì khó lay chuyển nổi nông dân lắm!” - TS. Hảo nói.
TS. Nguyễn Văn Hảo đề nghị các bãi nghêu cần được xới đất lên, bón vôi để diệt mầm bệnh trước khi bắt đầu vụ nuôi mới. Bởi thực tế, các doanh nghiệp chế biến nghêu thương phẩm tại tỉnh cũng phải lấy nguyên liệu nghêu từ tỉnh Nam Định, trong khi trữ lượng nghêu tại địa phương tuy lớn nhưng chỉ “đủ chất lượng” bán thô ở các chợ. Đặc biệt, ông đánh giá rất cao trong mô hình tôm - lúa (có thêm cá phi đỏ) - mang lại hiệu quả bền vững lâu dài nhất mà trên thực tế nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng thành công để ứng phó với BĐKH. “Nếu chưa thể đầu tư tốt về mặt hạ tầng, tôi nghĩ nông dân Bến Tre chỉ nên canh tác tôm biển theo mô hình bán thâm canh hay thâm canh cải tiến, kết hợp với những loài thủy sản khác chứ không nên tiếp tục canh tác thâm canh để hủy hoại môi trường như thời gian qua” - TS. Nguyễn Văn Hảo đề xuất.