TIN THỦY SẢN

Ngành thủy sản thế giới sẽ thế nào nếu không hành động về khí hậu?

Những hệ lụy mà ô nhiễm môi trường toàn cầu tác động đến nuôi trồng thủy sản nói riêng là rất lớn. Ảnh minh họa Thư Mai

Hơn 25% các quốc gia sản xuất hải sản có thể mất từ 40 đến 90% tiềm năng sản xuất hiện tại vào giữa thế kỷ này. Theo một nghiên cứu mới của Đại học British Columbia (UBC), nguồn cung hải sản nuôi toàn cầu dự kiến sẽ giảm 16% vào năm 2090 nếu không thực hiện các hành động kịp thời để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Được công bố trên tạp chí Global Change Biology, các nhà nghiên cứu đã áp dụng mô hình sản xuất nuôi trồng hải sản toàn cầu xem xét nhiều yếu tố, chẳng hạn như điều kiện biển thay đổi, khu vực biển thích hợp để nuôi trồng, sản xuất bột cá và dầu cá, nhu cầu thức ăn của loài hải sản nuôi, giá hải sản nuôi và nhu cầu hải sản toàn cầu nhằm dự trù sản lượng hải sản theo hai kịch bản biến đổi khí hậu và kinh tế xã hội. Mô hình này đã kiểm tra xấp xỉ 70% sản lượng nuôi trồng hải sản trên thế giới,  tính đến năm 2015, tập trung vào các vùng kinh tế đặc quyền, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động nuôi trồng hải sản toàn cầu.

Hải sản nuôi biển thường được coi là giải pháp hoàn hảo để khắc phục tình trạng đang cạn kiệt nguồn cá tự nhiên và nhu cầu ngày càng tăng về protein. Nhưng mô hình nghiên cứu ở trên cảnh báo rằng nghề nuôi trồng hải sản cũng dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu như bất kỳ ngành nào khác.

“Nếu chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch với tốc độ như hiện tại, thì lượng hải sản, chẳng hạn như cá hoặc vẹm biển có thể được nuôi bền vững, sẽ chỉ tăng 8% vào năm 2050 và giảm 16% vào năm 2090” tác giả chính, Tiến sĩ (TS) Muhammed Oyinlola, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Đại dương và Thủy sản (IOF) nhận định. Theo TS. Oyinlola, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sản lượng hải sản theo nhiều cách khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào vị trí của các trang trại và loài hải sản mà họ nuôi. Trong một kịch bản phát thải cao, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - Na Uy, Myanmar, Bangladesh, Hà Lan và Trung Quốc - có thể thấy sản lượng nuôi trồng hải sản của họ giảm mạnh từ 40 đến 90%.


Nguồn cung cấp nuôi trồng hải sản toàn cầu sẽ giảm 16% vào năm 2090 nếu không có hành động khí hậu nào được thực hiện. Ảnh Morenovel

“Một số vùng nuôi nhiều động vật có vỏ, chẳng hạn như vẹm, hàu và trai, và ở những vùng này, tác động cũng nhỏ hơn,” Tiến sĩ Oyinlola cho biết.  “Ở những vùng sản xuất nhiều cá có vây, chẳng hạn như cá hồi, tác động sẽ cao do nguồn cung bột cá và dầu cá giảm”

Theo tỷ lệ phát thải carbon hiện tại, việc nuôi cá có vây (chẳng hạn như cá hồi) được dự báo sẽ giảm 3% trên toàn cầu vào năm 2050 và 14% vào năm 2090. Theo cả hai kịch bản khí hậu, dự báo cho thấy việc nuôi các loài hai mảnh vỏ sẽ tăng vào năm 2050 và giảm vào năm 2090. Theo TS. Oyinlola, những quốc gia có nghề nuôi trồng hải sản nổi bật, đặc biệt là sản xuất cá có vây (như Na Uy, Iceland, Phần Lan, Chile và Bangladesh), sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngược lại, những vùng sản xuất nhiều loài hai mảnh vỏ sẽ ổn định hơn hoặc thậm chí phát triển hơn (chẳng hạn như ở Canada).

Tuy nhiên, cũng có một mặt trái là mô hình nghiên cứu chỉ ra rằng trong một kịch bản phát thải thấp khi thực hiện hành động khí hậu, nghề nuôi trồng hải sản được dự báo sẽ tăng khoảng 17% vào giữa thế kỷ 21 và khoảng 33% vào cuối thế kỷ 21, so với những năm 2000. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc thay thế bột cá và dầu cá bằng các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật (như đậu nành) có thể giúp giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với các trang trại nuôi cá biển.

"Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi thứ, bao gồm cả các khía cạnh của nuôi trồng hải sản mà trước đây chúng ta chưa xem xét" Tiến sĩ William Cheung, tác giả cao cấp và giáo sư kiêm giám đốc IOF, cho biết. “Chúng ta cần nhanh chóng hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu thay vì chỉ dựa vào một giải pháp để giải quyết tất cả các vấn đề sản xuất hải sản của chúng ta.”

Thư Mai