TIN THỦY SẢN

Ngành tôm ráo riết bàn cách đem về 3,5 tỷ USD

Bất chấp khó khăn, xuất khẩu tôm dự báo sẽ tăng trong năm 2020 Thy Lê

Mặc dù xuất khẩu tôm có dấu hiệu chững lại trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhưng khả năng sẽ tăng trở lại trong những tháng tới. Mục tiêu cán mốc 3,45 - 3,5 tỷ USD trong năm nay dù khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được

Bất chấp Covid-19, xuất khẩu tôm dự báo sẽ tăng

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, năm 2020 dự báo ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn và khó dự báo. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại, hạn hán xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra sớm và khốc liệt...

Đáng chú ý, tình hình thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm.

Giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng, giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid 19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại dẫn đến sự sụt giảm về cầu nửa đầu năm 2020.

Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩuvà tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục.

Phân tích các thời cơ trong thời gian tới, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng khả quan vì ngành tôm có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ FTA, có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Có khả năng 3 nước này sẽ không tập trung cho thị trường EU khi mà sản lượng của họ dự báo không tăng trong năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này không có xu hướng tăng trong những năm gần đây, do vậy VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng khoảng mức khả quan nhất là 15% đạt 800 triệu USD trong năm 2020.

Nhập khẩu tôm nuôi của Mỹ dự kiến vẫn duy trì ở mức cao. Ấn Độ tiếp tục giành thị phần từ Thái Lan trong năm 2019 và các năm trước đó. Năm 2020, Ấn Độ và Indonesia vẫn là đối thủ lớn của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Gặp bất lợi tại thị trường EU, dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ khiến 2 nước này gia tăng XK sang Mỹ. Với kịch bản tích cực nhất, nếu kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá giai đoạn POR 14 vẫn khả quan như POR 13 thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng 7% đạt 700 triệu USD trong năm 2020.

Hay với thị trường Nhật Bản, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2020 có thể chỉ tương đương với năm 2019 với khoảng 618 - 620 triệu USD.

Muốn cạnh tranh phải giảm giá thành 

Đặc biệt, VASEP nhận định xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ trong quý đầu năm, nhưng sẽ tăng mạnh trở lại từ quý II, do vậy dự báo vẫn duy trì tăng trưởng 10% trong năm 2020 với kim ngạch khoảng 600 triệu USD.

Về lâu dài, là thị trường đông dân, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày một tăng, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của các nhà cung cấp tôm Việt Nam. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các yêu cầu, quy định mới của Trung Quốc và có sự điều chỉnh phù hợp để duy trì xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy vậy, để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trên, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước. Động viên, biểu dương kịp thời người nuôi và các doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ người nuôi trong giai đoạn khó khăn.

Đồng thời, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC... để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới.

Đặc biệt, ngành tôm cần phải nói không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Thy Lê Thời báo Kinh Doanh