Ngao 2 cùi tiền tỷ dính đòn COVID-19: Bán không được, để chẳng đành
Vào những ngày này 1-2 năm trước, đi đâu trên xã đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng xôn xao chuyện nuôi ngao 2 cùi thu lãi tiền tỷ. Nhưng bây giờ, ai không xuống giống nuôi ngao lại là điều may mắn.
Sấp ngửa xoay tiền để trả vốn vay
Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là chính vụ thu hoạch ngao ở khắp các vùng biển Vân Đồn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, hơn 1 triệu lồng nuôi ngao ở xã đảo Bản Sen vẫn nằm im dưới mặt nước biển.
Anh Phạm Văn Thành (thôn Đông Lĩnh, xã Bản Sen) mới đầu tư nuôi ngao 2 cùi được 2 năm nay, khi mà phong trào nuôi loài nhuyễn thể này đã rầm rộ khắp đảo. Nhà nuôi ít cũng thả vài vạn lồng, nhà nuôi nhiều thả đến cả trăm vạn. Vì mới nuôi nên anh Thành cũng chỉ dám thả 4 vạn lồng, đầu tư cả con giống và vật tư mất khoảng 50.000 đồng/lồng.
Vừa khấp khởi đến kỳ thu hoạch vụ đầu tiên, dịch Covid-19 ập đến, anh Thành cùng hơn 200 hộ nuôi ngao xã Bản Sen thở dốc mỗi ngày khi chứng kiến ngao liên tục rớt giá. Từ 100.000 đồng/kg xuống 70.000 cuối năm 2019, giờ chỉ còn chưa nổi 20.000 đồng/Kg.
Tin từ biên giới Móng Cái báo về xã đảo: Do dịch Covid-19, phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có sản phẩm nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Thị trường tiêu thụ ngao lớn nhất quyết định nền kinh tế gia đình của hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản ở Bản Sen bỗng chốc đóng cửa. Anh Thành nhấc lên nhấc xuống những lồng ngao, đắn đo bán hay không bán?
“Đầu tư 50.000 đồng, giờ bán chỉ được 20.000 đồng, không đủ tiền công. Lồng thì còn giữ lại nuôi được vụ sau, nhưng ngao cứ để đó thì chẳng lớn lên bao nhiêu mà còn bị hao hụt do chết đi. Mà bán rẻ thì xót lắm chú!” – anh Thành thở dài ngao ngán.
Dạn dày kinh nghiệm nuôi ngao hơn, anh Phạm Văn Tuyền (thôn Nà Sắn, xã Bản Sen) đã qua nhiều vụ ngao thắng. Nhưng đến nay cũng sấp ngửa xoay tiền để trả vốn vay ngân hàng hơn 3 tỷ đầu tư vụ trước, cũng vì giá ngao quá rẻ, không thu nổi 1/3 vốn.
Chỉ tay về phía mặt nước rộng mênh mông nổi lên những dãy phao trắng, anh Tuyền nói như mếu: “Năm ngoái tôi thả 12 vạn lồng, đến nay đạt khoảng 300 tấn ngao thương phẩm. Giờ đã tới kỳ thu hoạch rồi, nhưng hôm vừa rồi người ta chỉ trả 16.000 đồng/kg. 5 năm nuôi ngao 2 cùi, chưa bao giờ giá lại xuống thấp kỷ lục như vậy. Bây giờ vớt ngao lên bán chỉ đủ thuê tiền nhân công, nên 300 tấn ngao của tôi cũng đành để đó”.
Bán cũng dở, để không đành
Theo tính toán của người nuôi ngao hai cùi ở Vân Đồn, tổng sản lượng của các hộ nuôi lên tới 5.000 - 7.000 tấn ngao thương phẩm. Trong khi đó, do không thể xuất bán sang Trung Quốc nên mỗi ngày, thương lái cũng chỉ có thể tiêu thụ được từ 5 - 7 tấn với giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg (bằng 1/3 giá năm ngoái). Chỉ tính công thu hoạch mỗi lồng đã phải chi phí 7.000 đồng cho công nhân.
Ngoài thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ được ở Quảng Ninh, chủ yếu cho các chợ đầu mối, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên trước tình thế hàng loạt nhà hàng, khách sạn đóng cửa do dịch bệnh Covid-19, thị trường nội địa nhỏ bé này cũng gần như đóng cửa đối với người nuôi ngao.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (thôn Nà Sắn, xã Bản Sen) từ Tết đến nay như ngồi trên đống lửa. Sản lượng ngao của anh giờ còn khoảng 60 tấn, vẫn im lìm dưới mặt nước biển.
“Bán thì không biết có đủ tiền thuê nhân công hay không. Mà không bán cũng không được, vì còn lấy lồng thả giống mới. Bà con cứ nấn ná, đợi chờ, hy vọng sớm hết dịch, giá ngao tăng trở lại. Cứ đà này không biết đến bao giờ...” – anh Mạnh khổ sở nói.
Chỉ mới trước Tết Nguyên đán, trong một chuyến công tác Vân Đồn, lãnh đạo huyện này tự hào giới thiệu với PV về xã đảo Bản Sen: Những năm gần đây, xã đã khuyến khích các hộ dân nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh phát triển sản xuất theo mô hình liên kết bền vững với một số doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn. Nhờ vậy, kinh tế thủy sản của Bản Sen ngày càng tăng trưởng khá, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động và góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Ông Đinh Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Bản Sen, khẳng định: “Khoảng vài năm trở lại đây, nghề nuôi ngao 2 cùi ở Bản Sen đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, khiến nhiều hộ chuyển sang đầu tư nuôi giống nhuyễn thể này. Đến nay, do dịch Covid-19, phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, do đó ảnh hưởng lớn đối với sản lượng thủy sản nuôi đang đến thời điểm thu hoạch”.
Ngoài nuôi ngao 2 cùi, hầu hết các hộ ở Bản Sen còn kết hợp nuôi hàu với số lượng lớn. Anh Nguyễn Thành Trung, người có hơn 3ha ngao hai cùi, hàu dây đang nuôi trồng trên vịnh Bái Tử Long thuộc địa bàn xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, hiện chưa vào chính vụ hàu nên giá hàu vẫn ổn định. Tuy nhiên khoảng 2 tháng nữa, khi vào chính vụ thu hoạch mà chưa có thị trường chắc chắn việc bán hàu sẽ khó khăn và giá còn thấp hơn ngao rất nhiều.
“Do vụ vừa rồi nhiều người đổ xô đi nuôi hàu dây nên sản lượng hàu sữa còn gấp 2-3 lần sản lượng ngao hai cùi. Hiện bà con cũng đang rất rối trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Năm nay có những hộ lỗ hàng chục tỷ đồng”- anh Trung thở dài.