Ngao bung - “bung là ăn”
Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi đãi hải sản, tôi gọi một tô trìa mỡ thơm phức, nó cười nắc nẻ: “Tưởng trìa mỡ là thứ cao sang lắm, té chi ngao bung. Mi có nhớ ngày xưa không…?”.
Ngao bung (trìa mỡ, ngao mật, ngao lụa), cái tên mà tôi đồ rằng chỉ làng tôi gọi thế. Một loại hải sản theo con nước dạt vào gần bờ mỗi độ sang hè. Dọc theo vùng biển duyên hải Bắc Trung Bộ, cái nghề đi giật lùi cào ngao bung chừng như đã quá nổi tiếng. Làng tôi cũng không ngoại lệ, nhưng đó chỉ là ngày trước, khi đám thanh niên, phụ nữ tự trang bị cho mình một chiếc cào có cấu tạo gồm thanh tre dài, phía dưới chẻ đôi tạo hình tam giác để gắn một lưỡi sắt vòng cung, trên lưỡi sắt bố trí thêm túi lưới dày hứng ngao.
Cào ngao bung dù đơn giản nhưng không kém phần vất vả. Người cào phải đi từ sáng sớm, tranh thủ lúc thủy triều hạ, dọc theo theo con sóng ở mực nước cỡ ngang đầu gối, cúi khom người ấn lưỡi cào xuống mặt cát chừng mười lăm phân rồi đi giật lùi, khi nghe tiếng cắc dưới lưỡi cào thì ngao đã vào túi lưới. Lúc thủy triều lên, người cào ngao càng phải đi ra xa.
Ngồi hàn huyên với bạn, nó nhắc lại những ngôn từ lâu rồi tôi chưa được nghe. Nó bảo: “Mi còn nhớ “cời” không, còn nhớ đi “đụi” ngao bung không?”. Thực ra, “đụi” ngao bung dành cho những đứa trẻ mới làm quen với con sóng, chúng không thể tự vác một chiếc cào dài thượt mà chỉ dùng chân “đụi” từng thớ cát để kiếm tìm những con ngao đang vùi mình, ẩn nấp; còn “cời” là chỗ mặt nước cạn cách bờ chừng vài chục sải tay người lớn. Khi thủy triều lên người cào ngao phải bơi ra “cời” để cào.
Trong nhiều cái nghề ở vùng lộng, cào ngao bung lúc sang hè thể hiện rõ nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng biển. Ngày trước ở làng, sang mùa ngao bung, trẻ con đứng “đụi” ở vùng chân sóng; phía xa, đám thanh niên, phụ nữ từng hàng giật lùi cào ngao. Hình ảnh ấy, người miệt biển dù đi xa cũng khó thể quên.
Ngao bung có hình tam giác, lớp vỏ khá dày và nhiều màu như, xám, trắng, nâu… ngao nhỏ thì bằng 2 ngón tay, con to cỡ 4 ngón tay người lớn. Trong các loại ngao ở biển, ngao bung được xem là đặc sản với giá trị dinh dưỡng cao. Phần thịt ngao khá dày, có vị ngọt béo và thơm. Ở làng biển tôi, khi bắt được ngao bung, mang lên nhà ngâm ngước biển vài giờ đồng hồ cho sạch cát rồi rửa sạch, nấu nồi nước thật sôi thả ngao vào. Đến lúc vỏ ngao bung ra là có thể ăn được.
Thời buổi bây giờ tại các nhà hàng đây là món ăn đặc sản và dễ dàng chế biến được nhiều món như, ngao nướng mỡ hành, canh ngao nấu chua, ngao xóc tỏi, cháo ngao,… thậm chí vỏ ngao chứa canxi là loại dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đàm, chữa đau họng, ho tức, ho đờm...
Riêng tôi, nhắc đến loại hải sản này chỉ đơn giản thích ngao bung hấp sả chấm muối tiêu chanh. Nó không cầu kì nhưng khi thưởng thức sẽ cảm nhận được mùi hương, vị mặn của vùng ven chân sóng. Cùng bạn thưởng thức ngao bung hấp sả, tôi đoán chủ quán đã làm theo công thức này: Ngâm ngao bằng nước biển hoặc nước muối pha loãng để ngao nhả sạch cát, sau đó cho vào nồi cùng sả đập dập. Tùy theo khẩu vị thể cho thêm vài quả ớt, gia vị rồi mang hấp khoảng 15-20 phút, ngao bung vỏ cho phần nước ngòn ngọt là có thể dùng được.
Thưởng thức ngao bung hấp sả vô tình bạn gặp phải một mặt ngao lẫn cát. Sợ nó khó chịu, tôi trấn an: “Ngao bung sống ở mặt đáy, không có cát mới lạ. Ngày trước, người cào trần mình nửa ngày trời, da bỏng rát, đôi khi bị sóng đẩy ra xa cũng chỉ cào được vài cân. Ăn phải cát để cảm nhận được vị mặn chát của đời người bên sóng”.