Nghệ An: Bán chạy tôm vì lo dịch
Gần 1 tháng rưỡi qua (4/5 đến 17/6/2013) tại tỉnh Nghệ An đã có gần 60 ha tôm thẻ chân trắng ở 13 vùng nuôi tôm thuộc 3 huyện, thành đã dính các loại bệnh: Đốm trắng, Taura và hoại tử gan tụy. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã thu tôm bán non vớt vát lại vốn.
TÔM CHẾT KHÔNG KỊP TRỞ TAY
Ông Tạ Quang Sáng, Trưởng phòng Quản lý giống thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ hiện đã có 125 đầm nuôi tôm thẻ chân trắng của 105 hộ dân (trên 57 ha) tại 3 vùng nuôi tôm tập trung thuộc 3 huyện, thành ven biển là Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và TP Vinh bị dịch bệnh hoành hành.
Trong đó có 7,36 ha tôm bị dương tính với bệnh đốm trắng, còn lại bị hoại tử gan, tụy. Tại 11 vùng nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu dịch bệnh đã làm người nuôi tôm tại 12 xã khốn đốn. Đã có ít nhất 49,21 ha tôm mới thả từ 10 đến dưới 50 ngày của huyện bị dính bệnh.
Tại 3 xã Nghi Thái, Nghi Yên và Nghi Tiến của huyện Nghi Lộc có 6 hộ bị dịch tổng cộng 1,2 ha. Tại TP Vinh dù dịch mới xuất hiện từ ngày 25/5 đến nay nhưng cũng làm 13 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với 6,6 ha (trong đó có 4,6 ha bị bệnh đốm trắng).
Ông Trần Anh Tráng, trú tại xóm Hồng Phong, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết: Ông có 3 đầm nuôi tôm (6.000 m2). Năm nay ông thả 100% giống tôm thẻ chân trắng của Công ty CP Thái Lan đặt tại xã Quỳnh Liên. Nhưng mới nuôi được 45 ngày đã chết mất 2 đầm. Cả xã An Hòa có 30 hộ nuôi tôm thì hiện có 20 hộ nuôi tôm đã dính dịch buộc phải thu sớm.
Điều làm ông Tráng lấy làm lạ là năm ngoái bệnh hoại tử gan tụy làm tôm chết dần dần, mỗi ngày một ít, nhưng năm nay buổi sáng cho tôm ăn tôm đang nhảy tanh tách, con nào con nấy đều rất triển vọng; thế mà cuối buổi chiều nhìn xuống đầm tôm đã thấy chúng chết như ngả rạ (!).
Từ ngày có dịch đến nay, nhiều đầm tôm chết nhanh đến mức người nuôi không kịp trở tay. Có hộ, buổi sáng chúng tôi khuyên họ “bán non” đi, nhưng chả ai nghe vì nhìn tôm đẹp như vẽ thế mà buổi chiều vớt tôm chết mỗi đầm được hơn 1 tạ.
Cũng theo ông Tráng, khi các đầm tôm tại xã An Hòa xuất hiện bệnh, bà con hốt hoảng chạy ngược chạy xuôi tìm thuốc về để xử lý thì họ đã bắt gặp một loại thuốc kháng sinh, trên lọ có dòng chữ ghi là có tác dụng điều trị cả bệnh hoại tử gan tụy nên ai cũng bỏ tiền ra mua. Nhưng khi về dùng chả có tác dụng gì, tiền mất, tật mang.
Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc nói với PV: Năm nay Quỳnh Lộc có 120 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng do tình hình dịch bệnh năm ngoái diễn ra quá phức tạp đẩy 100% hộ nuôi tôm vào tình cảnh thất bát nặng nề nên vào vụ tôm mới năm nay mới chính thức thả được 50% (60 ha) nhưng với mật độ thấp 60 đến 80 con/m2. Hiện còn 50% diện tích đang để vậy xem tình hình dịch ra sao đã.
Trong số 60 ha thả rải rác từ 20 đến 25/3/2013, hiện dịch bệnh đã làm 8 hộ mất trắng khi tôm mới nuôi được gần 30 ngày, 20 hộ khác (11 ha) nuôi được từ 30 đến dưới 45 ngày cũng không thoát được dịch. Hiện còn khoảng 50% số diện tích đã thả đợt 1 dân đang nín thở theo dõi từng ngày.
Trong ngày 18/6, tại Quỳnh Lộc phải thu tôm khẩn cấp 3 hồ nuôi mới qua 50 ngày. Sở dĩ phải thu nhanh vì khi đã phát hiện thấy tôm chết trong đầm nếu để chậm 1-2 tiếng đồng hồ là mất trắng như chơi.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Ông Tạ Quang Sáng, Trưởng phòng Quản lý giống thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An nói với PV: "Qua kiểm tra tại các đầm nuôi tôm bị dính dịch bệnh tại Quỳnh Lưu chúng tôi thấy tôm chết có nhiều biểu hiện lạ hơn so với năm ngoái như: có con tôm chết do gan, tụy bị nhũn, nhạt màu; có con lại chết vì gan bị teo, có con lại bị sưng hoặc vỡ cả gan lẫn tụy.
Có những ao tôm chết rất nhanh, chỉ sau 1 đến 2 ngày đã chết sạch sành sanh, trong khi lại có những đầm tôm chết rải rác kéo dài từ từ như năm ngoái. Trong 37 mẫu đưa đi xét nghiệm, có 17 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, các mẫu còn lại cơ quan xét nghiệm chưa xác định được chính xác bệnh gì".
Ông Mai Văn Tĩnh, đại diện Cty Intimex Nghệ An cho biết: Năm nay Intimex Nghệ An có 68 ao nuôi tôm thẻ chân trắng (25 ha). Trong đó, chúng tôi giành 15 ao tôm đặt hàng công ty chuyên SX cung ứng tôm An Lộc nuôi gièo tại bể 10 ngày, khi tôm có trọng lượng 2.500 con/kg mới thả. Chúng tôi cũng tự nuôi gièo 15 ngày cho số tôm giống của 53 ao còn lại. Thực tế, tôm chúng tôi tự nuôi gièo phát triển tốt hơn so với tôm đặt hàng An Lộc làm.
Ông Tĩnh cho rằng: Từ thực tế của Intimex Nghệ An, nếu cứ đổ cho chất lượng con tôm giống đã có mầm bệnh gây nên dịch bệnh này cũng chưa hẳn đã đúng.
Cũng theo ông Tĩnh, ngoài việc chất lượng tôm giống tốt, người nuôi còn phải quan tâm thêm 2 vấn đề đó là: Môi trường và công tác phòng trừ bệnh ngay từ đầu cho tôm nữa. Nếu bỏ qua 2 vấn đề trên, chờ đến khi tôm đã dính dịch mới đi mua thuốc kháng sinh thì chỉ tốn kém thêm tiền của, công sức và gây ô nhiễm thêm môi trường ao nuôi mà vẫn chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An cho rằng: Việc hầu hết các hộ nuôi tôm không có bể chứa lắng và không có đầm chứa nước thải nên lấy trực tiếp và xả thẳng ra môi trường là một trong số các nguyên nhân khiến dịch bệnh hoành hành ở Nghệ An trong thời gian qua.