TIN THỦY SẢN

Nghệ An: Chấn chỉnh khai thác "tôm hùm nhí" tận diệt

Tôm hùm giống sau khi đánh bắt, được ngư dân mang đi bán cho thương lái địa phương. Ảnh Phạm Linh Thanh Phong

Mùa tôm hùm giống thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Tôm hùm giống có giá cao, nên ngư dân tập trung khai thác, cá biệt có trường hợp khai thác theo kiểu tận diệt...

Tôm hùm giống là loại tôm có kích thước nhỏ, còn gọi là tôm hùm nhí. Sau khi khai thác tôm, ngư dân sẽ đem bán cho các vựa nuôi thương phẩm. Giá bán của tôm hùm giống tùy thuộc vào kích thước và tùy theo loại. Như tôm xanh có giá từ 27 - 28 nghìn đồng/con, tôm sao (tôm bông) từ 120- 125 nghìn đồng/con. 

Để bắt được tôm hùm giống, ngư dân phải ra biển từ lúc 1- 2 giờ sáng và khai thác cho đến chiều. “Bắt tôm hùm giống nhọc công lắm. Chiều tối là lo chuẩn bị thả lưới, rồi phải thức suốt đêm để chong đèn nhử tôm, dỡ lưới kịp thời. Hôm được 20 - 30 con, có hôm được nhiều hơn, nên thu nhập cũng khá", ông Đoàn Hoạt ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.

Năm nay, giá tôm hùm giống giảm hơn so với năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, tôm hùm thương phẩm tiêu thụ chậm, người nuôi tôm ngại đầu tư nuôi mới. Ngoài tôm hùm giống (kích thước nhỏ bằng chân nhang và trong suốt), thời gian qua, có khá nhiều tôm hùm xanh (kích thước từ 80 - 150g) bám lưới và được bán với giá 300 - 350 nghìn đồng/kg. Vì vậy, không chỉ ở Tịnh Kỳ, nhiều ngư dân ở các làng chài Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải (Bình Sơn) và ở xã Phổ Quang, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), cũng cấp tập dò tìm ở những khu vực tôm hùm giống thường trú ngụ để khai thác.

Vì mang lại thu nhập khá, nên những năm qua, ngư dân khai thác tôm hùm giống ồ ạt, thậm chí sử dụng các biện pháp khai thác kiểu tận diệt, nên sản lượng tôm hùm giống suy giảm mạnh. 


Tôm hùm giống bị khai thác quá mức dẫn đến sản lượng suy giảm mạnh. Ảnh Nguyễn Thành

Theo bà Đỗ Thị Thu Đông, nghề khai thác tôm hùm giống theo cách của ngư dân hiện nay chỉ mang lại lợi ích trước mắt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt cả về môi trường lẫn kinh tế. Bởi lẽ, cả ba cách khai thác tôm hùm nhí là sử dụng lưới mành, bẫy, lặn đều gây tác động xấu tới môi trường sinh thái biển, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tôm hùm giống. Việc dùng lưới mành bắt được tôm hùm giống giai đoạn đang chuyển sang tôm non, nên rất dễ bị tổn thương, dẫn đến tỷ lệ sống thấp. 

Đáng báo động là tình trạng ngư dân đục lỗ trên rạn san hô để nhử tôm hùm con chui vào ẩn nấp. Điều này gây ra hậu quả kép, vừa tàn phá rạn san hô, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể sinh vật và hủy hoại hệ sinh thái biển, làm mất nơi trú ẩn, sinh sản của các nguồn lợi hải sản khác. Về mặt kinh tế, nếu để tôm hùm giống phát triển ngoài tự nhiên từ 12 - 13 tháng (tôm xanh sẽ đạt 0,35 - 0,4kg/con), 15 - 18 tháng (tôm bông sẽ đạt 0,7 - 1kg/con) thì lợi nhuận kinh tế tăng gấp 20 - 25 lần, cộng với nguồn lợi được tiếp tục sinh sôi và nảy nở, hệ sinh thái biển được bảo vệ.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo ngư dân cần sử dụng ngư lưới cụ và phương pháp khai thác phù hợp, mắt lưới đúng kích cỡ theo quy định. Vào mùa sinh sản của tôm hùm từ tháng 4  đến tháng 7 hằng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh vận động ngư dân và các tổ chức, cá nhân không được tham gia khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ tôm hùm có nguồn gốc tự nhiên; cấm bắt và khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu vận động, tuyên truyền là chính. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc khai thác tôm hùm giống, ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương cần có giải pháp triệt để hơn.

Thanh Phong Báo Nghệ An