TIN THỦY SẢN

Nghệ An: Hiệu quả mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng

Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng Nguyễn Kim Thu

Trong những năm gần đây để đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, được hỗ trợ từ các nguồn ngân sách tỉnh, thành phố, huyện hoặc các chương trình dự án khác đã xây dựng nhiều dạng mô hình, trên các đối tượng giống nuôi thủy sản có giá trị kinh tế và hiệu quả cao như: Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, cá mú, cá rô phi, cá lóc, lươn,...

Trong những mô hình đó phải kể đến mô hình nuôi lươn trong bể xi măng. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nuôi thủy sản. Do đó, năm 2018 được sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban Thành Phố, trạm khuyến nông thành phố Vinh đã xây dựng thành công mô hình “ Nuôi lươn trong bể xi măng không bùn”.

Mô hình này, được lựa chọn 1 hộ tham gia là ông Nguyễn Ngọc Thành triển khai ở khối 3 – phường Trung Đô – thành phố Vinh, với quy mô 100 m2.  Ông là người có  nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, hiện tại bể nuôi lươn của gia đình được cải tạo từ chỗ nuôi gà trước đây. Trước khi đưa giống vào nuôi, hộ gia đình đã kết hợp đồng bộ từ khâu chọn bể nuôi cho đến khâu vệ sinh phòng bệnh cho lươn. Hộ gia đình đã chọn vị trí xây bể yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, chủ động nguồn nước để dễ lấy nước vào và thoát nước ra. Nguồn nước cho vào bể được xử lý và đã diệt khuẩn, Mực nước trong bể: 20 – 30 cm. Mặt nước thấp hơn miệng bể 40 – 50 cm. Trong bể có thả 1/3 diện tích bèo tây để  tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn. Ông đã xây 2 bể, mỗi bể 50 m2, mật độ 60con/m2. Giống thả nuôi  chia làm 2 đợt: Đợt 1 được thả giống vào tháng 8/2018 diện tích 50 m2, lượng giống thả 50kg, kích cỡ giống 60 - 70 con/kg. Nguồn giống chủ yếu là mua từ những người đi thả trúm sau đó thuần hóa đưa vào nuôi nên giá lươn giống cao từ 400.000 đồng đến 450.000 đồng/kg.Thức ăn nuôi lươn rất đơn giản, hộ thu mua cá rô phi đơn tính, với giá 10.000 – 15.000đồng, sau đó về nấu chín để nguyên cả con cho lươn ăn,sau mỗi lần lươn ăn xong sẽ vớt xương cá đỡ ô nhiễm môi trường nước, cách làm này rất hay đỡ tốn nhiều  công lao động, đỡ thay nước. Đợt 2 thả giống vào tháng 9/2019 diện tích 50 m2, lượng giống thả 50kg, kích cỡ giống 60 - 70 con/kg. Dự kiến thu hoạch vào tháng 1/2019, hiện nay lươn đang sinh trưởng phát triển bình  thường, cỡ lươn đạt 20- 25 con/kg. Mô hình nuôi lươn thương phẩm với mật độ 60 con/m2 khác biệt với yêu cầu của mật độ nuôi 200 con/m2. Do lươn giống mua về đã thuần thời gian kéo dài từ 30 - 40 ngày kích cỡ 60 - 70 con/kg tương đối đồng đều.  Sau 4 tháng nuôi, lươn thương phẩm đạt 5 - 6 con/kg, tỷ lệ sống đạt 80%, năng suất 9,6 kg/m2, thu được 480kg với giá bán 170.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi nhuận trên 19 triệu đồng. 

Như vậy, có thể khẳng định bước đầu mô hình nuôi lươn trong bể xi măng không bùn là rất thành công, có tính khả thi và nhân rộng cao. Mô hình không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, cung cấp sản phẩm  an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo  vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm, mà còn tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu trên quê hương.

Nhu cầu và nguyện vọng của người dân nơi đây, cũng như hộ gia đình rất mong muốn được Ủy ban thành phố cũng như các ban nghành khác, tiếp tục quan tâm hỗ trợ  thêm mô hình nuôi lươn tự sản xuất con giống, nhằm giúp bà con chủ động con giống để cung cấp nguồn giống lươn tại chỗ cho trong vùng và ngoài vùng lân cận, làm đa dạng hoá sản phẩm, chủng loại  đối tượng thủy sản tại địa phương, tạo thêm  viêc làm, tăng thu nhập, từng bước xoá đói giảm nghèo bền vững cho người dân.

Nguyễn Kim Thu TTKN Nghệ An