Nghệ An: Quản lý chặt giống, thức ăn trong nuôi tôm
Thời gian vừa qua, tôm nuôi ở các đầm, ao tại Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, xã Hưng Hòa (TP. Vinh)... chết hàng loạt, một trong những nguyên nhân là do tôm giống kém chất lượng cũng như thị trường thức ăn cho tôm chưa kiểm soát được.
Thực tế, người nuôi tôm luôn lo ngại về chất lượng tôm giống, bởi phía đưa tôm giống đến bán cũng có hóa đơn, chứng từ và giấy kiểm dịch... nên khi tôm chết thì khó quy trách nhiệm cho họ. Rồi trong quá trình nuôi thả tôm cũng không thấy cán bộ chuyên môn đến để kiểm tra vấn đề tôm giống có ương gièo hay không như quy định. Thậm chí khi tôm bị dịch bệnh người nuôi báo lên chính quyền địa phương nhưng phải 2-3 ngày sau mới có cán bộ đến kiểm tra...
Phía người nuôi tôm, thì rất nhiều hộ còn chủ quan trong quy trình nuôi. Vẫn còn tình trạng thả tôm trực tiếp không qua ương gièo. Ương gièo có nghĩa là trước khi tôm giống bán cho dân thì đơn vị cung ứng phải phục hồi giống tôm tại các trại tôm có nhà kính, để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với điều kiện tại nơi bán khoảng từ 3-5 ngày, tôm thật khỏe mạnh mới cung ứng cho người nuôi. Nếu tôm giống không được ương gièo khi thả xuống chưa kịp thích nghi, kém phát triển dễ phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, cả người cung ứng và người nuôi đều thỏa thuận không “gièo” mà thả trực tiếp xuống ao nuôi.
Thị trường thức ăn cũng lộn xộn với hàng chục loại sản xuất trong nước, nước ngoài, liên doanh. Các loại thức ăn cho tôm được bán trên thị trường thường công bố hàm lượng đạm rất cao, khi mua sử dụng người nuôi thường chỉ biết hàm lượng ghi trên bao bì, nhưng chất lượng thực sự thì không rõ, nhất là đối với các loại thức ăn dạng hỗn hợp. Về quản lý thức ăn, trong thời tiết nắng nóng hầu hết các hộ nuôi cho tôm ăn dư thừa diễn ra phổ biến làm tôm ăn nhiều, đào thải chất thải nhiều dẫn đến tình trạng ô nhiễm ao nuôi.
Ông Tạ Quang Sáng - Trưởng phòng Quản lý giống thủy sản (Chi cục Nuôi trồng thủy sản) cho hay về công tác giống tôm hiện nay rất khó kiểm soát, các xe vận chuyển tôm giống thường “cải trang” rồi lén lút xuống địa bàn để bán cho người nuôi với giá rẻ. Điều đặc biệt là các xe chở tôm giống không đạt quy chuẩn, chủ yếu dùng xe thô sơ để chở tôm nên không đảm bảo quy trình, tôm không được ương gièo, kích cỡ con giống không đảm bảo. Đầu vụ cơ quan chức năng đã bắt được một số xe chở tôm giống bán ra thị trường, nhưng khi kiểm tra thì không đúng quy trình nên đề nghị xử lý.
Đối với những bất cập về thức ăn cho tôm, ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng Quản lý thức ăn thủy sản (Chi cục Nuôi trồng thủy sản) cho biết: Cơ bản thức ăn cho tôm đều được nhập ngoại nên chất lượng không đáng lo ngại, các loại thức ăn này đều được công bố chất lượng và kiểm soát theo quy định. Điều quan tâm hiện nay là các đại lý ngoài bán các loại thức ăn chính còn bày bán rất nhiều sản phẩm phụ như chế phẩm sinh học, các loại khoáng chất...Hàng năm chúng tôi thường phối hợp với các ngành thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lấy từ 3-5 mẫu các chế phẩm sinh học và phát hiện xử lý 2-3 vụ/năm (các sản phẩm kém chất lượng)...
Với thực tế trên, đòi hỏi các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh cần giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng tôm giống trên địa bàn. Các đơn vị cung ứng giống cần chấp hành tốt việc thải loại đàn tôm bố mẹ hết thời gian sử dụng theo quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra và lấy mẫu thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học để kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất công bố và có nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định hay không, từ đó có khuyến cáo cho người nuôi tôm để người dân lựa chọn sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cũng cần tự bảo vệ tài sản của mình bằng cách tuân thủ quy trình, kỹ thuật, dùng sản phẩm chất lượng, có bảo hành.