TIN THỦY SẢN

Nghề cá thế giới thiệt hại hơn 80 tỷ đô la Mỹ mỗi năm

Hình minh họa Vũ Hậu (theo fis.com)

Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định rằng khai thác quá mức không phải là một chiến lược tốt để quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, ví dụ như nguồn lợi hải sản, nhằm đạt được lợi nhuận bền vững, công việc ổn định và tăng trưởng lâu dài.

Nghiên cứu “Hàng tỷ đô la bị thiệt hại được xem xét lại: Tiến độ và Thách thức đối với Nghề cá biển thế giới” (Tên điều chỉnh lại của nghiên cứu “Hàng tỷ đô la bị thiệt hại: Điều chỉnh về mặt kinh tế để cải cách nghề cá”) cho thấy toàn bộ nghề cá thế giới năm 2012 đã bị mất đi khoảng 83 tỷ đô la Mỹ, phần lớn là do khai thác quá mức.

Báo cáo sử dụng mô hình kinh tế sinh học của Giáo sư Ragnar Arnason – Đại học Iceland đã xác định rõ lợi nhuận kinh tế tiềm năng bị thiệt hại của nghề cá biển trên toàn cầu.

WB nhấn mạnh rằng họ đã cùng với các bên liên quan làm việc với nhiều quốc gia để giúp nghề cá phát triển bền vững hơn.

Một số ví dụ về các hoạt hộng này của WB bao gồm trường hợp của nghề cá cơm – cá cơm cung cấp dầu cá giàu omega-3 và bột cá dùng trong chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản trên thế giới.

Vì hiện nay cá nuôi chiếm hơn nửa tổng sản lượng hải sản nên mức độ phong phú của cá cơm là vô cùng quan trọng đối với vấn đề an ninh lương thực.

Năm 2009, WB đã hợp tác với Chính phủ Peru thông qua một loạt các khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển môi trường nhằm đảm bảo tính bền vững nguồn lợi cá cơm, tăng cường quản lý ngành và giảm thiểu việc tăng công suất quá mức của các đội tàu khai thác, và tạo thuận lợi cho ngư dân chuyển đổi nghề sang các hoạt động kinh tế khác.

Tại Morocco, WB đã ủng hộ chiến lược “tăng trưởng xanh” của quốc gia này bằng cách hỗ trợ tài chính dưới hình thức các khoản vay cho chính sách phát triển, các dự án án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cũng như các công cụ đấu tranh với việc khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU).

Báo cáo của WB cũng nêu rõ: nghề cá ở khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương cung cấp hơn nửa sản lượng cá ngừ của thế giới, một nguồn protein tốt nhất, trị giá khoảng 5,8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, cá ngừ là loài di cư trong suốt biên độ sinh học của chúng và nguồn lợi này phụ thuộc vào hành động của nhiều quốc gia và các tàu khai thác nước ngoài.

Vì vậy, đối với nghề lưới vây cá ngừ - nghề khai thác cá ngừ lớn nhất khu vực về khối lượng, các bên liên quan đến Hiệp ước Nauru (PNA) đã đưa ra Sơ đồ Ngày Khai thác (Vessel Day Scheme) vào năm 2010, để cho phép họ kết hợp với giới hạn khai thác trong mức bền vững ở các vùng biển của họ, và nhằm tăng các loại phí sử dụng khi họ tham gia khai thác ở vùng nước xa bờ của các quốc gia đánh bắt hải sản.

Trong tình hình này, WB cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đầu tư vào việc xây dựng năng lực và công nghệ nhằm tăng cường công tác quản lý nghề cá bền vững và đặc biệt là xây dựng sơ đồ ngày khai thác tiếp theo.

WB cũng lưu ý rằng cần phải cho quyền các ngư dân nghề cá quy mô nhỏ chống lại các hoạt động khai thác bất hợp pháp tại Tây Phi.

Chương trình Nghề cá khu vực Tây Phi (WARFP) được bắt đầu thực hiện năm 2010 nhằm làm tăng đóng góp kinh tế của nguồn lợi hải sản thông qua việc tăng cường quản lý và giám sát nghề cá, giảm thiểu các hoạt động khai thác bất hợp pháp và nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hải sản. 

Đối với quốc gia Hồi giáo Oman, nghề khai thác hải sản chủ yếu là thủ công, hiện đang bị tụt hậu. Oman đã đề nghị Ngân hàng Thế giới giúp đỡ trong việc đặt ra kế hoạch làm cho nghề khai thác hải sản vừa trở thành công việc thường xuyên và phát triển bền vững, vừa cải thiện sinh kế cho khoảng 40.000 – 50.000 lao động sống phụ thuộc vào nghề khai thác hải sản và các hoạt động khác có liên quan. 

Hỗ trợ kỹ thuật, được cung cấp dưới dạng các dịch vụ tư vấn, đã mang đến những thực hành tốt nhất thế giới cho các bên liên quan ở mọi cấp độ từ Bộ trưởng đến ngư dân và các bô lão của các bộ lạc để cùng xây dựng một tầm nhìn chung về nghề cá được tái tạo.

Theo báo cáo của WB, việc cho phép nguồn lợi hải sản quay trở lại mức phong phú hơn sẽ làm giảm bớt thiệt hại và tạo doanh thu tăng trưởng lâu dài, vừa giúp nghề cá thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu về hải sản trên toàn thế giới.

Vũ Hậu (theo fis.com)