TIN THỦY SẢN

Nghề cá với những đóng góp to lớn từ Người Phụ Nữ

Những người phụ nữ Việt Nam đầu đội nón lá, ngồi bên máy khâu, chăm chú đan lưới đánh cá. Ảnh: Diep Van. Mạnh Kha

Trong ngành thủy sản, phụ nữ có vai trò rất lớn, nắm giữ những then chốt thành công của ngành. Họ là thành phần lao động tham gia vào hầu hết các phân khúc của nghề cá bao gồm đánh bắt, nuôi trồng, buôn bán, giám sát, hậu cần và quản lý. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn còn xem nhẹ các vai trò này, do nhiều định kiến của xã hội bao trùm lên nền kinh tế thị trường, và văn hóa của nhiều quốc gia; tạo bất lợi cho họ, ngăn cản họ tham gia đóng góp tích cực, đầy đủ và công bằng hơn cho nghề cá.

Một nghiên cứu thú vị của FAO GLOBEFISH, trong báo cáo: Vai trò của phụ nữ trong ngành thủy sản (5/2015), đã chỉ ra rằng cứ hai công nhân ngành thủy sản lại có một người là phụ nữ. Dẫn nguồn của WWF, cho thấy: tỷ lệ phụ nữ trong nhóm công nhân nuôi trồng thủy sản, chế biến thủ công, công nghiệp thủy sản, bảo trì thiết bị, kinh doanh và bán lẻ thủy sản chiếm tỷ lệ cao. 47% trong số 120 triệu người kiếm tiền trực tiếp từ nghề đánh bắt và chế biến thủy sản là phụ nữ. Trong nuôi trồng thủy sản, con số này là 70%.

Riêng ở Việt Nam, phụ nữ chiếm hơn 60% lực lượng lao động trong buôn bán và dịch vụ nghề cá, đặc biệt chiếm hơn 80% trong lao động chế biến thủy sản. Điều nàykhông thể phủ nhận vai trò lớn của phụ nữ trong chuỗi giá trị sản phẩm của nghề cá. Ngày nay, phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo chiến lược trong chuỗi sản xuất của nghề cá, tham gia đóng góp trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Bà Sarah Harper, nhà nghiên cứu Thủy sản tại Đại học British Columbia (tác giả của nghiên cứu “Đóng góp của phụ nữ cho các nền kinh tế thủy sản: Hiểu biết sâu sắc từ 5 quốc gia hàng hải”, 2017), khẳng định: “Phụ nữ có thể đánh bắt các động vật có vỏ, cá nhỏ ở các vùng đánh bắt gần bờ, nhưng vì xã hội ưu tiên nghề cá công nghiệp (ngành cá đánh bắt xa bờ), nên những đóng góp đó được cho rằng không thực sự quan trọng, chúng chỉ là các hoạt động ở bãi biển. Nhưng, khi các nhà khoa học tiến hành đo lường những gì phụ nữ đang “thu thập trên bãi biển” lại có sản lượng khai thác rất đáng kể”. Tuy nhiên nguồn thu nhập được trả lại không tương xứng.


Cụ bà cào ngao trên bãi biển ở Việt Nam. Ảnh: Nguyen Son.

Trong mọi thời đại, phụ nữ luôn là thành phần đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm đối với nền kinh tế xã hội nói chung và nghề cá nói riêng. Bằng những đức tính đặc trưng của giới, đã giúp cho họ hoàn thành rất tốt các công việc mà người đàn ông khó lòng đảm trách.

Phụ nữ là những người cần cù, chịu khó và cẩn thận: Hầu hết trong các hoạt động sản xuất của nghề cá, từ khai thác, nuôi trồng, chế biến, hậu cần và dịch vụ đều rất cần những tính cách này ở người phụ nữ. Nếu nam giới với sức khỏe, tính quyết đoán, kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh bắt xa bờ, thì người phụ nữ lại rất cần cù, chịu khó trong các hoạt động đánh bắt hoặc thu gom gần bờ, đóng góp không nhỏ vào thu nhập của hộ gia đình.

Nhiều công ty, doanh nghiệp luôn có những ưu tiên tuyển dụng dành cho nữ giới, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Bởi các doanh nghiệp này luôn có niềm tin nhất định vào sự khéo léo, cần cù và tỉ mỉ của người phụ nữ cho công việc chế biến thủy sản, vốn đòi hỏi sự chăm chút nghiêm ngặt cho từng sản phẩm.

Phụ nữ với thiên chức làm mẹ và đức hy sinh: Trong khi người đàn ông vắng nhà để đánh bắt xa bờ, nữ giới phải đảm nhận rất nhiều những công việc trong gia đình và kinh tế. Họ phải chăm sóc con cái, quản lý nhà cửa, đảm bảo chi tiêu, hoặc đảm nhận các công việc chuẩn bị hậu cần như vá lưới, sửa chữa, vệ sinh ghe thuyền, ... phân loại, chế biến cá (nhóm các công việc này hầu như tạo ra nguồn thu nhập không đáng kể hoặc có khi được xem là các công việc nội trợ, mà đã là nội trợ thì không được trả lương). Họ cũng là những người tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng chung của cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa của làng xã ven biển. Các công việc này có khối lượng lớn, trách nhiệm nặng nề, chiếm nhiều thời gian, nếu không đủ lòng hy sinh bằng thiên chức của người mẹ, và vai trò người vợ thì những người phụ nữ làm nghề cá rất khó để đảm đường, hoàn thành chu toàn các công việc.

Hãy tưởng tượng rằng, nếu không có sợ hỗ trợ, vun vén từ người phụ nữ, thì nam giới ngoài đương đầu với sóng to gió lớn, sẽ phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, và giáo dục con cái. Nếu không có họ ở trên bờ lo toan các công việc hậu cần thì nam giới khó có thể có thời gian, sức khỏe để có những chuyến đi biển dài ngày. Trong thu nhập của nam giới có sự đóng góp về thời gian và công sức của những người phụ nữ.


Phụ nữ đang phân loại sò điệp ở Mũi Né, Việt Nam. Ảnh: David Noton

Phụ nữ là then chốt trong thương mại thủy sản với khả năng thiếu phục và quản lý tốt: Trong các hoạt động bán lẻ thủy sản, nữ giới chiếm tỉ lệ đến 90%. Họ luôn thể hiện những kỹ năng thiên phú trong giao tiếp bán hàng, tạo ra giá trị kinh tế cho hàng hóa của ngành. Có thể nói, người phụ nữ đã góp phần rất to lớn trong quá trình chuyển đổi hàng hóa thành tiền tệ cho nghề cá.

Người phụ nữ luôn biết cầu thị, ham học hỏi, năng động vượt khó vươn tới thành công: Suốt cả cuộc đời, người phụ nữ vẫn phải giành nhiều thời gian, tâm sức hơn người đàn ông để chăm lo cho tổ ấm gia đình. Do đó, họ thật sự đã phải cố gắng rất nhiều trong mọi hoàn cảnh và công việc của nghề cá; người phụ nữ luôn năng động, tích cực đóng góp cho nghề với nụ cười thân thiện và đức hy sinh.

Để tham gia vào nghề cá cùng nam giới xây dựng nghề, người phụ nữ đã đánh đổi thật nhiều bằng sự hy sinh và cố gắng. Họ chấp nhận mức thu nhập có khi chỉ bằng 80% so với nam giới (số liệu báo cáo trong Hội thảo quốc tế Phụ nữ trong nghề cá, 2008), nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp (theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động, lạnh, ẩm ướt gây ra bệnh viêm xoang và họng cho 36% và bệnh thấp khớp cho 31% lao động nữ ở doanh nghiệp chế biến thủy sản), và đảm đương nhiều trách nhiệm (trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, trách nhiệm với cộng đồng). Xã hội nói chung và cộng đồng nghề cá nói riêng đang dần phải thay đổi cái nhìn về tầm vóc của phải đẹp đối với sự phát triển trọng yếu của nghề cá. Nhiều cuộc hội thảo, chương trình, tọa đàm về bình đẳng giới trong nghề cá, cũng như tìm các giải pháp hỗ trợ đặc biệt cho người phụ nữ đã được các tổ chức chính trị, xã hội đặc biệt quan tâm thảo luận và thực hiện.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, nghề cá lại càng không thể phủ nhận những đóng góp “tốt đẹp, rực rỡ” của phụ nữ. Do vậy, hãy trân trọng và yêu thương hơn phái đẹp, những người chị, người em, người mẹ đang ngày đêm cùng nam giới dựng xây nghề cá nước nhà!

Mạnh Kha