TIN THỦY SẢN

Nghề làm khô: kẻ bán và người mua chưa gặp được nhau

Nghề làm khô là nghề truyền thống ở An Giang Minh Hiển

Đó là thực trạng của ngành sản xuất khô cá trên địa bàn An Giang hiện nay. Nguyên nhân của vấn đề trên do người tiêu dùng lúc nào cũng muốn mua sản phẩm với giá rẻ nhưng chất lượng phải cao, ngon, giao hàng nhanh, thanh toán gối đầu; gọi hàng 1 lần có thể cung cấp được với số lượng lớn… Trong khi đó, để làm ra được 1 con khô, các cơ sở chế biến phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ của ngành chức năng.

Thực trạng

Sản xuất khô cá nói riêng, các mặt hàng khô nói chung, như: khô bò, khô gà, khô heo, khô nhái, cá sặc, cá lóc, cá tra… là nghề truyền thống, có từ lâu đời. Cùng với lúa, gạo, cá tra, rau màu… ngành hàng này hàng năm mang về cho tỉnh doanh thu rất lớn, góp phần giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ngành hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.“Khó khăn trước hết mà chúng tôi gặp phải đó là giá nguyên liệu năm nay tăng rất cao. Nguyên nhân do bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, người tiêu dùng chuyển sang ăn cá. Những năm trước, cá tra có giá, ngư dân chuyển từ nuôi cá sặc bổi sang nuôi cá lóc, vì vậy 2 mặt hàng này trên thị trường trở nên khan hiếm. Cụ thể, đối với cá sặc bổi, cơ sở chế biến mua vào giá 84.000 đồng/kg, cá lóc 52.000 đồng/kg. Để có 1kg khô cá thành phẩm, phải sử dụng từ 3-4kg cá nguyên liệu. Nguyên liệu đầu vào tăng trong khi hệ thống đại lý, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng không muốn tăng giá, vì vậy những người tham gia chế biến ngành hàng này gặp rất nhiều khó khăn” - bà Trần Thị Lệ Thu (Chủ cơ sơ chế biến khô cá xã Khánh An, An Phú) chia sẻ.

Bà Thu cho biết, ngoài giá cá nguyên liệu tăng, các cơ sở chế biến ở đây phải gánh chịu một khoản chi phí khác rất cao, ví dụ như chi phí gửi hàng hóa. Cụ thể, 1kg cá khô gửi từ xã Khánh An (An Phú) đến TP. Long Xuyên, bình quân  phải gánh thêm 2.000 đồng/kg. Một thùng khô 20kg, cơ sở phải trả cho các chủ xe vận chuyển 40.000 đồng. Cùng với đó, giá thuê nhân công lao động cũng tăng, bình quân mỗi người làm, chủ cơ sở phải trả từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày, trong khi giá khô không tăng.

Giải pháp

Từ đầu năm đến nay, khi giá cá nguyên liệu và các chi phí khác như: giá vận chuyển, điện, nước… tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, một số cơ sở chế biến khô đã nảy sinh tình trạng gian lận thương mại. Một số cơ sở đã thu mua cá ngột, cá chết của các vựa, đại lý ở những chợ đầu mối về làm khô, vì cá chết sẽ có giá rẻ hơn 50%. Mục đích là để giá thành sản xuất xuống thấp. Đối với khô cá lóc, thay gì phơi từ 3-4 ngày mới đạt yêu cầu thì họ chỉ phơi từ 3-4 giờ nắng, rồi xuất hàng bán. Đối với những lô hàng như thế, theo quy định của ngành chức năng, sản phẩm phải được bảo quản trong tủ đông hoặc tủ lạnh thì họ lại để bên ngoài, mang bán thẳng cho người tiêu dùng.

Ông Nam cho biết thêm, nhiều người tiêu dùng, đại lý bán hàng không am tường về sản phẩm nhưng đặt ra yêu cầu cao như: khô phải ướp lạt, không chất bảo quản, giá phải rẻ, sản phẩm phơi cho thật khô… Việc này rất khó đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, còn có một thực tế là các cơ sở chế biến khô muốn đưa sản phẩm vào những kênh bán hàng hiện đại, như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng trưng bày sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phải chịu mức chiết khấu sản phẩm lên đến 20%. Không những vậy, người bán hàng còn phải chịu thêm điều kiện đổi trả hàng do các nơi này quy định. Chính từ những vướng mắc trên nên các sản phẩm mang tính truyền thống như khô cá khó mở rộng thị trường tiêu thụ. “Khi chúng tôi gặp phải những khách hàng như thế, cách tốt nhất là từ chối bán sản phẩm để khỏi phải phiền lòng, vì chúng tôi xác định, đây là những người tiêu dùng ít thông tin, thiếu hiểu biết về sản phẩm, vì vậy chúng tôi không bán hàng” - bà Thu khẳng định.

Đối với ngành sản xuất khô cá, để nhà sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau, về phía nhà sản xuất cần phải tăng cường tư vấn bán hàng, đẩy mạnh giới thiệu đặc tính sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu về quy trình chế biến, cách mua và sử dụng sản phẩm. Còn đối với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, nhanh chóng thay đổi thói quen, hành vi mua hàng để phần nào hỗ trợ nhà sản xuất, có như vậy đôi bên mới có thể gặp nhau.

Minh Hiển Báo An Giang