Nghề lặn thu hoạch sò
Khu vực trồng rong sụn kết hợp nuôi sò lông ở Cồn Chim (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã lên đến hàng trăm hec-ta. Từ khi nghề này phát triển, hàng chục thợ lặn ở địa phương cũng có công việc ổn định từ việc lặn thu hoạch sò thuê…
Nghề kéo theo nghề
Năm 2013, một người dân ở tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc mày mò thử nghiệm và thành công ngoài mong đợi với việc trồng rong sụn kết hợp nuôi sò lông ở khu vực Cồn Chim. Đến nay, hình thức nuôi trồng này đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng trăm hộ trên địa bàn. Mùa thu hoạch rong sụn kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau (âm lịch), trong khi sò lông được thu hoạch liên tục trong năm.
Theo ông Trương Văn Sa Tăng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Bắc, ở khu vực Cồn Chim có khoảng 150 hộ làm nghề trồng rong sụn kết hợp nuôi sò lông. Việc phát triển mô hình nuôi trồng kết hợp này không chỉ giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân địa phương, bởi vào vụ thu hoạch rong, mỗi hộ phải thuê gần chục nhân công làm thường xuyên trong 4 tháng. Bên cạnh đó, hơn 50 thợ lặn trên địa bàn cũng có việc làm thường xuyên, cho thu nhập ổn định từ việc lặn thu hoạch sò cho các chủ nuôi.
Vất vả nhưng thu nhập cao
Trước khi bắt đầu một ngày làm việc ngâm mình nhiều giờ liền dưới nước biển, ông Trần Văn Tam (tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc) cùng 4 người thợ lặn tập trung trên căn chòi của ông Nguyễn Văn Nhanh để trao đổi công việc. Sau đó, họ xuống ghe chạy về hướng những căn chòi xung quanh; riêng ông Tam ở lại lặn bắt sò cho ông Nhanh. “Nếu sức khoẻ tốt thì nghề này cho thu nhập cũng khá. Cứ mỗi tạ sò bắt lên, thợ lặn được trả 250.000 đồng tiền công. Bình quân mỗi ngày, tôi kiếm được 1 triệu đồng, nhưng phải ngâm mình liên tục khoảng 6 tiếng đồng hồ. Vì tuổi đã lớn, sợ sức khoẻ không đảm bảo nên tôi làm 1 ngày, nghỉ 1 ngày để lấy lại sức”, ông Tam chia sẻ. Theo ông Nhanh, việc lặn bắt sò ở khu vực này không nguy hiểm vì mực nước sâu nhất lúc thủy triều lên chỉ khoảng hơn 3m, trong khi các thợ lặn đều tự trang bị bộ đồ lặn chuyên dụng và được sử dụng máy dưỡng khí do các hộ nuôi đặt ngay trên chòi. Dù vậy, vào những hôm trời mưa, nước lạnh, rất khó tìm được thợ lặn thu hoạch sò; nếu có thuê được thì cũng phải bồi dưỡng thêm 50.000 đồng/tạ sò bắt được để “giữ chân” họ.
Ông Lê Văn Hoàng - Tổ trưởng Tổ liên kết trồng rong, nuôi sò nơi đây cho biết: “Tiền công thu hoạch sò trả cho thợ lặn thường bằng 1/10 giá trị sản phẩm, nhưng tôi thấy xứng đáng vì công việc lặn rất vất vả. Đặc biệt, điều khiến những người nuôi sò như chúng tôi cảm thấy vui và yên tâm nhất là cánh thợ lặn đều rất có trách nhiệm. Trong quá trình lặn thu hoạch sò, họ không chỉ lựa sò đúng kích cỡ mà còn giúp chúng tôi kiểm tra rất kỹ tình hình phát triển của sò cũng như vệ sinh tầng đáy bằng việc thu gom vỏ sò chết”.