Nghề nuôi biển có thể thu hàng chục tỷ USD mỗi năm
Ngày 9/11, tại đại hội thành lập Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, nghề nuôi biển nếu tổ chức tốt có thể mang lại hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng Việt Nam khai thác còn rất hạn chế.
Theo ông Dũng, nghề nuôi biển, còn gọi là canh tác biển, với những đối tượng nuôi có giá trị rất lớn là ngọc trai, rong tảo biển, cá, giáp xác, nhuyễn thể… “Như nghề nuôi rong tảo biển, chu kỳ nuôi rất ngắn chỉ 1-2 tháng, lâu có thể cả năm, khả năng tái tạo nhanh, tỷ suất đầu tư thấp, nhưng đem lại lại nguồn thu vài tỷ USD, thậm chí cả chục tỷ USD”- ông Dũng nói.
Còn về tiềm năng nuôi ngọc trai, Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Cty CP Ngọc trai Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 450 nghìn ha nước biển và trên 430 nghìn ha nước ngọt chưa khai thác nhưng phù hợp để nuôi ngọc trai.
Theo ông Thắng, ngọc trai có thể nuôi ở các vùng vịnh kín như: Vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Lan Hạ, Bái Tử Long, Nha Trang…Ngoài ra, có thể tận dụng các hồ chứa tự nhiên, nhân tạo có thể nuôi tốt. Con trai nuôi có thể nuôi 1 năm có thể thu hoạch lấy ngọc, nhưng nếu nuôi để lấy ngọc giá trị cao có thể 2-3 năm.
Hiện nhu cầu ngọc trai làm trang sức của thế giới rất lớn. Loại ngọc trai loại chất lượng tốt (từ A, AA, AAA), kích thương 8.5mm có giá thị trường ở Mỹ có là 40 USD/viên; ngọc 9mm sẽ tới 250 USD/viên và loại trên 9,5 mm có thể lên tới hơn 500 USD/viên.
“Đây là loài không cần phải cung cấp thức ăn, nếu chỉ sử dụng khoảng 1% mặt nước trên, sẽ thu về khoảng 3-5 tỷ USD bán ngọc trai thô. Nếu dùng công nghệ chế biến thành thương phẩm, có thể thu tới 10-15 tỷ USD mỗi năm là trong tầm tay”- ông Thắng nói.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, hiện nay ngành thuỷ sản chưa đưa con trai lấy ngọc vào đối tượng nuôi chủ yếu, nên cũng chưa có quy hoạch cho đối tượng này. Do vậy, đối tượng này có phát triển được hay không, nhà nước cần có định hướng rõ ràng, còn doanh nghiệp, về mặt công nghệ đã sẵn sàng.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, VSA ra đời sẽ kết nối, hội tụ, liên kết cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, ngư dân, tập trung phát triển và chọn lọc du nhập công nghệ tiên tiến của thế giới, để nuôi trồng các loài rong tảo biển, các loài cá, giáp xác, nhuyễn thể, cùng các loài hải sản khác có giá trị cao.
Đồng thời, VSA sẽ thực hiện các chương trình cụ thể như: xây dựng các mô hình trồng và chế biến rong, tảo biển làm thực phẩm, nhiên liệu sinh học, phân hữu cơ và cải tạo môi trường vùng nuôi; hỗ trợ hiện đại hóa công nghệ và quy mô các cơ sở sản xuất giống cá và các sinh vật biển, nâng cao chất lượng, chủng loại và tính đa dạng…