Nghề nuôi cá lồng hồ thủy điện
Khai thác tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, các xã dọc sông của huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã và đang phát triển nghề nuôi cá lồng bè, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Với trên 14 ha nuôi thủy sản, cấp ủy, chính quyền xã Mường Khiêng đã chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất, nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng hồ thủy điện Sơn La, thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Điển hình là bản Huổi Pản có 51 lồng cá, với diện tích 5.100 m² mặt nước nuôi cá.
Là hộ tiên phong nuôi cá lồng bè ở bản Huổi Pản, anh Vì Văn Nghiêm cho biết: Gia đình tôi đầu tư 200 triệu đồng làm 8 lồng cá, mỗi lồng có diện tích khoảng 20 m² bằng khung thép chắc chắn, chủ yếu nuôi các loại cá: Trắm, lăng vàng, nheo, diêu hồng. Nguồn thức ăn cho cá có ở địa phương, như: Bột ngô, sắn, rau và lá chuối... Ngoài ra, gia đình còn đánh bắt thêm cá tạp về xay ra thành thức ăn cho cá, vì thế cá lớn nhanh, chắc thịt, thơm được nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận đặt mua. Mỗi năm, gia đình xuất bán trên 3 tấn cá, bình quân mỗi lồng được gần 40 triệu đồng.
Thủy điện Sơn La. Ảnh: Infos Connector.
Liên kết các hộ gia đình tham gia nuôi tập trung và tìm đầu ra cho sản phẩm, 32 hộ dân đã thành lập HTX Huổi Pản, trong đó có 12 thành viên tham gia nuôi thủy sản. Hiện, HTX có 51 lồng cá, trung bình mỗi lồng rộng 20 m², tổng thu nhập đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Anh Vì Văn Yên, thành viên HTX Huổi Pản, cho hay: Hiện nay, gia đình tôi đã có 8 lồng cá các loại. Tôi được trao đổi, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá; khi tham gia HTX, có thị trường tiêu thụ và nguồn cá giống ổn định.
Với lợi thế có 15 bản nằm dọc theo lòng hồ thủy điện Sơn La, xã Liệp Tè đã tận dụng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La, vận động các hộ dân phát triển nuôi cá lồng bè.
Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã, cho biết: UBND xã đã thành lập Tổ tư vấn thủy sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các hộ nuôi cá liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; vận động, hỗ trợ, định hướng nuôi cá lồng hồ thủy điện theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích người dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến bao tiêu sản phẩm, nhất là việc sản xuất theo hình thức gối vụ, đảm bảo số lượng, chất lượng cá cung cấp thị trường. Bắt đầu từ việc nuôi thí điểm 30 lồng cá ở khu vực bản Ban Xa, đến nay, xã Liệp Tè đã có 784 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng đen, trắm đen... Sản lượng hàng năm ước đạt trên 50 tấn cá thương phẩm.
Người dân các xã dọc sông Đà khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi cá lồng hồ thủy điện. Ảnh: Cổng TTĐT Lai Châu
Anh Quàng Văn Hiện, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè, cho biết: HTX có 322 lồng cá, nuôi các loại lăng vàng, lăng đen, trắm đen, chép theo quy trình VietGAP. Thành viên HTX đã ký kết hợp đồng lấy con giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; tuân thủ đúng quy trình nuôi, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm cá của HTX xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến thời điểm này, huyện Thuận Châu có trên 800 lồng cá các loại, sản lượng ước đạt 1.200 tấn cá/năm. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Bảo đảm nghề nuôi cá lồng hồ thủy điện phát triển, thời gian tới, huyện thành lập các tổ công tác về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Ðồng thời, thực hiện quản lý việc sử dụng con giống có chất lượng tốt, đặc biệt con giống phù hợp nuôi lồng, như: cá trắm, lăng, tầm, chép, rô phi...
Người dân các xã dọc sông Đà của huyện Thuận Châu đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nghề nuôi thủy sản; từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.