Nghề nuôi tôm hùm: Bó tay vì bệnh sữa?
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có khoảng 49.466 lồng tôm hùm nuôi, sản lượng đạt trên 1.536 tấn, tập trung chủ yếu các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Từ năm 2008 đến nay, tình trạng tôm hùm bị chết do bệnh sữa xảy ra ở hầu hết các địa phương có nghề nuôi tôm hùm. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất, tỷ lệ tôm chết bình quân hàng năm khoảng 30% tổng lượng nuôi, cá biệt năm 2008 chết trên 50%, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, tôm hùm nuôi ở xã đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh chết hàng loạt, bình quân mỗi ngày từ 400 - 500 kg.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 30 ngàn lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh và TP. Nha Trang. Những năm gần đây, do bệnh sữa trên tôm hùm bùng phát, số lồng thả nuôi trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Vụ tôm năm 2012, toàn tỉnh chỉ còn 19.191 lồng được thả nuôi, sản lượng ước khoảng gần 1.000 tấn tôm thương phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, bệnh sữa trên tôm hùm tiếp tục bùng phát ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trong đó, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, mỗi ngày có khoảng 400 - 500 kg tôm bị chết, trong đó có trên 80% chết vì bệnh sữa, gây thiệt hại cho người nuôi hàng trăm tỷ đồng. Ông Phan Văn Ni, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Toàn xã được 350 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, có 900 hộ nuôi với 7.000 lồng tôm hùm. Tình trạng tôm hùm chết với các triệu chứng trắng sữa, long đầu, đen mang xảy ra từ tháng 10 âm lịch năm trước và kéo dài cho tới nay. Thời điểm trước Tết âm lịch, cao điểm một ngày số tôm chết trong xã lên đến 400 kg, tương đương gần 4 tấn trong vòng 3 tháng. Tôm chết chủ yếu là loại tôm thịt đã được nuôi khoảng 10 - 12 tháng tuổi, trọng lượng 0,5 - 0,7 kg/con. Từ đầu năm đến nay, hiện tượng tôm chết tuy có giảm, nhưng mỗi ngày vẫn có khoảng 500 - 600 con tôm chết (250 kg), thiệt hại trong đợt dịch này ước tính hàng trăm tỷ đồng”. Theo ông Ni, tình trạng tôm chết là do số lượng lồng tôm thả nuôi quá dày, chất thải từ thức ăn tôm tích tụ hàng năm rất lớn, làm cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Vừa qua, tại Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm với sự có mặt của nhiều nhà khoa học chuyên ngành thủy sản. Theo nhận định của các chuyên gia về bệnh thủy sản, tôm hùm nuôi ở các vùng biển Phú Yên và Khánh Hòa đều phát sinh bệnh sữa do vi khuẩn ký sinh nội bào, bệnh đen mang và long đầu do nấm, còn bệnh đỏ thân là do một loài virus gây ra. Nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện là do mật độ nuôi quá dày, ý thức của người nuôi chưa cao; khi xảy ra dịch bệnh, người dân không tin vào phác đồ điều trị của các ngành chức năng mà tự điều trị theo kinh nghiệm nên hiệu quả phòng, chống dịch không cao. Qua đó, khuyến cáo người nuôi tôm hùm lồng nên sử dụng phác đồ điều trị bệnh tôm hùm của Bộ NN-PTNT đã được phổ biến từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, phác đồ điều trị của Bộ NN-PTNT không phát huy tác dụng, không trị khỏi bệnh một cách triệt để, vì khi dùng Doxicycline, Oxy Tetracycline thì tôm ngừng chết, nhưng sau 2 tuần đến 1 tháng bệnh tái phát mạnh, lượng tôm chết tăng cao. Còn phương pháp đưa tôm lên khỏi mặt nước để tiêm phòng thì hoàn toàn không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng tôm và nguy cơ tiêm xong bị chết là khá cao. Thực tế cho thấy, việc loạn dùng thuốc trị bệnh tôm hùm cũng như chưa có phác đồ phù hợp đang dẫn đến hiện tượng tôm kháng thuốc nên dịch bệnh tôm tiếp tục lây lan. Dịch bệnh trên tôm hùm nuôi không phải xuất hiện lần đầu mà đã kéo dài dai dẳng từ năm này sang năm khác. Tuy vậy, đến nay cách điều trị những mầm bệnh tôm hùm nuôi thường mắc phải vẫn đang là bài toán khó. Hơn thế, thời gian nuôi tôm hùm khá dài, từ 1 - 2 năm nên khả năng rủi ro là rất lớn.
Không thể phủ nhận, bên cạnh chưa được quy hoạch chi tiết vùng nuôi, nghề nuôi tôm hùm lồng ở Khánh Hòa phát triển tự phát nên người nuôi chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật từ khâu chọn địa điểm, mật độ, hướng đặt bè tôm, sử dụng và bảo quản thức ăn, đến xử lý chất thải. Hậu quả là nguồn nước, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, hiện tượng tôm mắc bệnh chết lẻ tẻ ở một số vùng nuôi vẫn thường xảy ra. Trong khi đó, bệnh sữa trên tôm hùm đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị hữu hiệu, người dân vẫn dùng các loại thuốc chữa bệnh cho tôm sú nhưng không mấy kết quả. Hơn thế, do người dân xót của, hầu hết số tôm hùm chết đều không chịu tiêu hủy mà đem bán nên nguy cơ bùng phát đại dịch rất lớn. Điều này vừa gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, vừa dễ làm mầm bệnh phán tán và lây lan ra các vùng nuôi xung quanh. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, yếu tố then chốt là thực hiện nghiêm túc việc phát triển vùng nuôi theo quy hoạch, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi. Điều quan trọng nữa là cần sớm thành lập cơ quan thú y chuyên ngành thủy sản, thường xuyên theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.