Nghề nuôi tôm nước lợ còn rộng đường bơi
Năm nay, tôm nuôi bị thiệt hại ở Sóc Trăng vẫn còn ở mức cao với gần 56% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những mô hình nuôi thành công được xem như những điểm sáng để người nuôi tôm có thể vững tin vào sự thành công ở vụ nuôi năm 2013…
* Thành công nhờ làm lại từ đầu
Trong khi một bộ phận người nuôi tôm đã không còn mặn mà với con tôm sú vì dịch bệnh, thì anh Kha Sến ở thị xã Vĩnh Châu vẫn trung thành với nó. Anh Kha Sến tâm sự: "Đúng là con tôm sú đã bắt đầu khó nuôi, nhưng tôi vẫn quyết định nuôi theo cách nuôi của những ngày đầu". Theo cách nuôi này, anh Kha Sến chỉ thả nuôi mật độ 10 con/m2, kết hợp thả ghép cá rô phi trong ao lắng lẫn ao nuôi và nuôi tôm hai giai đoạn. Chỉ với quy trình đơn giản như những ngày đầu của nghề nuôi tôm nước lợ, nhưng anh đã thành công hơn cả sự mong đợi: 90.000 con giống được thả nuôi sau gần 5 tháng, anh thu hoạch được đến 4 tấn tôm loại 20 con/kg, bán với giá 200.000 đồng/kg.
Cũng với con tôm sú, trên diện tích 5.000m2, với mô hình nuôi luân canh tôm-lúa, anh Huỳnh Văn Chiều ở huyện Mỹ Xuyên thả nuôi 18.000 con giống (mật độ 3,6 con/m2) và sau 5 tháng nuôi anh thu được 550kg tôm thương phẩm cỡ 23 con/kg, bán được gần 90 triệu đồng. Anh Chiều đúc kết: "Đối với mô hình tôm-lúa, không nhất thiết phải thả nuôi với mật độ cao, mà vấn đề là con giống phải chất lượng cao, nuôi phải đạt tiêu chuẩn và tốt nhất nên để cá rô phi phát triển trong ao lắng". Vẫn là mô hình nuôi ghép cá rô phi, ở vụ nuôi vừa qua, xã viên Hợp tác xã Hòa Nghĩa thả ghép cá rô phi mật độ 15 con/100m2 sau 20 ngày thả giống tôm thẻ chân trắng, còn ngoài ao lắng, cá rô phi được nuôi đại trà, tôm phát triển rất tốt mà không phải sử dụng hóa chất để xử lý nước. Kết quả thu hoạch cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, chỉ với mật độ thả nuôi 50-60 con/m2.
Về mô hình nuôi tôm ghép với cá rô phi, thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, phân tích: "Thực tế trong những vụ vừa qua cũng như các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ) cho thấy, nuôi tôm ghép với cá rô phi mang lại hiệu quả khá cao cả về mặt kinh tế lẫn môi trường. Với mô hình này, ao lắng sẽ được thả cá rô phi đại trà, còn ao nuôi sau khi thả giống được một tháng, thì thả cá rô phi với mật độ 1 con/10m2. Đây là mô hình mà chúng ta xem cá rô phi như "Máy lọc sinh học" có tác dụng giúp môi trường ao nuôi ổn định, hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi". Còn ông Tăng Văn Xúa thì nhớ lại: "Hồi đó mình ít xài thuốc diệt giáp xác nên cá phi tự nhiên vô ao nhiều lắm. Tôi nhớ có năm, mỗi ao thu tới ba bốn trăm ký cá phi, nhưng năng suất tôm sú vẫn không giảm. Tuy nhiên, do mật độ nuôi thâm canh ngày càng cao, nên phần lớn người nuôi tôm bỏ quên đối tượng có ích này".
* Nuôi tôm thẻ vẫn khỏe hơn
Năm nay, trong khi con tôm sú vẫn còn thiệt hại cao, thì con tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ) nổi lên như cứu cánh cho người nuôi tôm. Anh Huỳnh Khánh Lượng, hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề, khẳng định: "Ở vụ nuôi tôm 2012, chỉ có con tôm thẻ là cho hiệu quả cao và ít rủi ro hơn so với con tôm sú. Tuy nhiên, để thành công với con tôm thẻ, điều quan trọng là phải chọn mua loại con giống chất lượng cao của những công ty có uy tín. Một vấn đề cần quan tâm nữa là nên nuôi tôm thẻ ở độ mặn trung bình khoảng 10‰, pH khoảng 7,5, thả nuôi với mật độ từ 80-100 con/m2 (tốt nhất là khoảng 60 con/m2) và chú ý phòng bệnh cho tôm bằng các biện pháp tổng hợp". Kết quả ở vụ nuôi vừa qua, chỉ với 14 ao nuôi tôm thẻ, anh Lượng thu được đến 120 tấn tôm thương phẩm, bán với giá từ 120-130 ngàn đồng/kg.
Có thể nói, năm nay là năm thành công nhất của người nuôi tôm thẻ, không chỉ ở năng suất mà luôn bán được giá từ bằng đến cao hơn so với tôm sú cùng cỡ. Tại thị xã Vĩnh Châu, nơi có diện tích thiệt hại cao nhất tỉnh, con tôm thẻ vẫn mang đến thành công lớn cho người nuôi. Ông Tăng Văn Tuối, Chủ nhiệm HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, cho biết: "Nếu không kịp thời chuyển qua nuôi tôm thẻ, chắc năm nay HTX tiếp tục thất bại thôi". Gần đây, tại Vĩnh Châu nổi lên rất nhiều tên tuổi thành công với mô hình nuôi tôm thẻ, như: anh Thái Văn Hội lời 212 triệu đồng, trên diện tích 6.000m2; anh Vương Hồng Xương (còn gọi là Sen) ở xã Vĩnh Hải, lời 222 triệu đồng trên diện tích 5.000m2; anh Nguyễn Văn Lĩnh, lời trên 300 triệu đồng, anh Quách Học Minh ở xã Khánh Hòa, lời trên 700 triệu đồng sau 2 vụ… Đặc biệt, con tôm thẻ cũng mang lại thành công cao cho những hộ vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên, khi thả nuôi với mật độ thưa.
* Vụ nuôi 2013 – còn rộng đường bơi!
Sự thành công của các mô hình trên đã góp phần đưa sản lượng tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng năm 2012 đạt gần 51.000 tấn, bằng 82% kế hoạch, dù tỷ lệ thiệt hại lên đến 55,7%. Sự gia tăng sản lượng đó có phần đóng góp không nhỏ của con tôm thẻ, dù diện tích thả nuôi đối tượng này chỉ 4.535ha, trong tổng số 41.735ha tôm nuôi nước lợ của toàn tỉnh. Con tôm thẻ đã mang đến hiệu quả cao cho người nuôi ngay cả trong thời điểm dịch bệnh còn gây thiệt hại nặng trên tôm sú. Vì thế, tại Hội nghị tổng kết nuôi tôm nước lợ của tỉnh mới đây, không ít ý kiến đề nghị nên mở rộng phát triển mô hình này. Ông Huỳnh Hải Vân, ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, đề nghị: "Trước tình hình dịch bệnh trên tôm sú vẫn còn phức tạp, đề nghị nên chuyển qua nuôi tôm thẻ vì ít rủi ro. Do thời gian nuôi ngắn và tính chống chịu bất lợi thời tiết, môi trường của tôm thẻ cao hơn tôm sú. Thực tế cho thấy, nuôi tôm sú đến 3 tháng vẫn còn khả năng bị lỗ trong khi tôm thẻ chỉ cần 50 ngày đã hết lỗ, thậm chí có lời". Ông Tăng Văn Tuối, Chủ nhiệm HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, hưởng ứng: "Tại cuộc họp xã viên chúng tôi mới đây, 100% ý kiến đồng thuận sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ ở vụ nuôi 2013, vì thời gian nuôi càng ngắn, thì rủi ro càng ít".
Kế hoạch vụ nuôi 2013, tỉnh Sóc Trăng tăng diện tích nuôi tôm thẻ lên gần gấp đôi so với năm 2012 (khoảng 7.000ha). Nhưng diện tích thả nuôi thực tế trong năm 2013 có khả năng sẽ cao hơn rất nhiều so với kế hoạch. Vì con tôm thẻ có sức chống chịu tốt hơn so với tôm sú, cho năng suất cao hơn, nuôi được nhiều vụ hơn và giá bán luôn bằng đến cao hơn tôm sú. Con tôm thẻ hiện nay được nuôi với nhiều mô hình khác nhau như: CPF-Turbo Program, của Công ty Cổ phần CP, nuôi ghép với cá rô phi, nuôi theo quy trình Biofloc…Theo thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, Biofloc đang được xem là quy trình nuôi tiên tiến, hạn chế được dịch bệnh và có thể nuôi với mật độ cao. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, người nuôi chỉ nên nuôi với mật độ thưa từ 60-80 con/m2 đối với tôm thẻ và 20 con/m2 đối với tôm sú.
Trong vụ nuôi vừa qua, tại ấp Tổng Cáng, đã có nhiều hộ nuôi thành công ở môi trường độ mặn thấp nhờ có nước ngọt để hạ dần độ mặn trong quá trình nuôi tôm. Điển hình là ở tập đoàn số 5, có hộ nuôi 5 ao thành công cả 5 ao, đạt lợi nhuận rất cao. Đây là vấn đề rất cần nghiên cứu để đưa ra quy trình thống nhất, nhằm giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả hơn. Đặc biệt, ngành hữu quan cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống trữ nước ngọt xen kẽ với hệ thống cấp nước mặn để người nuôi tôm chủ động trong việc hạ độ mặn ao nuôi khi cần thiết. Thạc sĩ Võ Văn Bé đồng tình: "Việc hạ độ mặn trong quá trình nuôi đã được kiểm chứng tại một số nước có nghề nuôi tôm tiên tiến. Do đó, nếu chủ động được nguồn nước để hạ độ mặn thì thành công sẽ lớn hơn".
Những mô hình nuôi thành công ở vụ nuôi 2012 đã và đang được ngành nông nghiệp Sóc Trăng đúc kết để nhân rộng ở vụ nuôi 2013. Cùng với đó là việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi phục vụ vùng nuôi, đa dạng đối tượng nuôi… sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng, với mục tiêu đưa tỷ lệ thiệt hại từ mức 55,7% năm 2012 xuống còn dưới mức 20% ở vụ nuôi 2013.
Giáo sư Kevin Michael Fitzsimmon-Giám đốc Cơ quan Hợp tác Nông nghiệp Quốc tế, Đại học Arizona (Mỹ), cho biết: “Cả tôm và cá rô phi đều thích ăn mùn bã hữu cơ, nên khi thả chung, chúng có thể xử lý chất thải của nhau. Khi có cá rô phi nhiều, chúng sẽ khuấy đảo đáy ao, tạo kháng sinh tự nhiên, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn nên giảm được nhóm khuẩn vibrio và virus gây bệnh. Các nghiên cứu còn cho thấy có tảo lục trong ao sẽ hạn chế được vi khuẩn gram âm, chất thải rắn nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo khuê và một số loại tảo có ích khác. Ngoài ra, cá rô phi còn giúp tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh. Khi có tôm bệnh chết trong ao, cá rô phi ăn ngay, hạn chế lây lan dịch bệnh”...