TIN THỦY SẢN

Nghề vá lưới thuê

Nghề vá lưới thuê đem lại thu nhập ổn định cho phụ nữ miền biển Sông Đốc. Ngọc Minh

Là thị trấn miền biển sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau, Sông Đốc không chỉ là điểm tựa cuộc sống cho những ngư dân bám biển, xa bờ hoặc gần bờ, mà còn là nơi đem lại việc làm, miếng cơm manh áo cho bao người dân sinh sống dựa vào những nghề hậu phương miền biển. Trong đó, nghề vá lưới thuê từ lâu trở thành nét sống đẹp, góp phần tạo nên nhịp sống sinh động nơi phố biển này.

Nghề vá lưới thuê đã gắn bó với chị Trần Thị Oanh (Khóm 5, thị trấn Sông Đốc) đã 39 năm qua. Cuộc sống của trẻ thơ miền biển nơi đây vài chục năm trước rất thiếu thốn, chị Oanh cũng không ngoại lệ. Như bao bạn bè cùng trang lứa, 13 tuổi, chị Oanh đành ngậm ngùi xa trường, xa lớp theo học nghề vá lưới thuê, đỡ đần gánh nặng tiền nong với gia đình. Vậy rồi, mùi tanh của cá, tôm, từng mảnh lưới âm thầm bên đời sống của chị bao nhiêu năm qua.

Chị Oanh tâm sự: “Vá lưới thuê có lúc làm suốt, có khi cũng nghỉ vài ngày. Trước đây nhận vá đủ các mặt lưới và nhiều nơi như lưới đèn, lưới xù, lưới chụp, giờ chỉ nhận vá lưới xù. So với các loại lưới khác, vá lưới xù nặng hơn, như khâu vô phao, vô chì... cần dùng sức nhiều”.

Chị Oanh bảo, biển là nguồn sống của gia đình, chị thì theo ghe vá lưới, còn chồng chị cũng làm nghề biển. Nhờ biển nơi đây ngày càng sôi động, phương tiện khai thác thuỷ sản nhiều hơn trước nên bà con miền biển có việc làm. Nghề vá lưới tuy nặng nhọc, lúc nào thân mình cũng phảng phất mùi tanh của biển, nhưng với chị, khi chủ ghe cần thì chị còn nhận làm và còn sức là còn gắn bó với từng mảnh lưới. Không đam mê con chữ và cũng vì 2 chữ mưu sinh, con gái duy nhất của chị mới bước qua bậc trung học đã theo mẹ vá lưới thuê.

Chị Trần Thị Trân (Khóm 3, thị trấn Sông Đốc) có 15 năm trong nghề vá lưới. Cũng như chị Oanh, sống ở miền biển không biết từ bao giờ, chị Trân đã thích tự thân kiếm tiền và mải mê ngồi nhìn ngắm các bà, các chị vá lưới mà không chán. 15 tuổi chị Trân chính thức nhập vào đội ngũ vá lưới thuê ở miền biển này. Nhiều năm trong nghề, giờ mặt lưới nào chị cũng biết vá.

Chị Trân cho biết: “Mình làm từ 8-16 giờ. Lúc ghe vô, mỗi ngày nhận vá lưới xù được 250.000 đồng, còn các loại lưới khác 150.000-300.000 đồng/ngày cũng có, tuỳ mặt lưới và thời điểm vá. Lúc đầu vô làm hầu như ai cũng bỡ ngỡ, làm chậm vì chưa quen nhưng làm riết rồi nhanh thôi. Nói chung vá lưới cũng dễ học, dễ làm, nó có quy trình hết, đòi hỏi mình phải nhanh tay và chắc tay là được”.

Chị Nguyễn Huyền Trân (Khóm 6, thị trấn Sông Đốc) chia sẻ, lúc trước chị nhận vá lưới đủ loại, còn gần đây chỉ nhận vá lưới cào. “Ghe cào đi mỗi chuyến chỉ 3-4 ngày là vào bờ rồi nên cần người vá lưới thuê suốt. Vì vậy, tôi tập trung nhận vá lưới để có việc làm và thu nhập đều hơn, mỗi ngày được 300.000 đồng”, chị Huyền Trân cho biết.

Nhờ có thu nhập mỗi ngày mà 2 con của chị Huyền Trân được cắp sách đến trường trong điều kiện khá tươm tất. Chị Huyền Trân bộc bạch: “Năm học sắp tới, đứa lớn vào lớp 6, đứa nhỏ cũng sang lớp 3. Nhờ có nguồn thu nhập này mà tiền học hành cho con cũng đỡ lo. Giờ chuẩn bị bước sang năm học mới không còn rầu chuyện tiền đâu đóng học phí, sách vở, quần áo, vì mình có khả năng để lo cho con rồi”.

Không có nghề nào là thấp kém. Đồng tiền chân chính được tạo ra từ mồ hôi, nước mắt luôn trân quý. Những người vá lưới thuê như chị Oanh, chị Huyền Trân và bao nhiêu phụ nữ miền biển này, để có được từng đồng tiền họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức. Nghề vá lưới thuê đơn sơ vậy nhưng đã giúp họ vơi bớt gánh nặng mưu sinh. Sống ở biển đâu phải nhất định là nghèo là khó, cơ hội nằm ở bản thân mình.

Ngọc Minh Báo Cà Mau