TIN THỦY SẢN

Nghẹt thở với đủ kiểu "hành" doanh nghiệp

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một công ty TNHH ở TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc TR.MẠNH - T.V.N. ghi

Nhiều doanh nghiệp kêu bị làm khó. Doanh nghiệp kêu "nghẹt thở" vì bị săm soi, bị thêm thủ tục, gánh nhiều loại phí, trở tay không kịp với chính sách...

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã phải xoay xở để có thể trụ lại trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn hiện nay, nhưng nhiều chính sách không những không tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu mà còn “đẻ” thêm thủ tục khiến doanh nghiệp càng thêm khó.

* Bà NGUYỄN THỊ ÁNH 
(giám đốc Công ty CP thủy sản Sông Tiền - Sotico):

Thêm thủ tục, gánh thêm phí

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp rất nhiều phiền phức và tốn kém khi có thêm một thủ tục mới, đó là các đơn hàng xuất khẩu phải có thêm xác nhận của Hiệp hội Cá tra theo quy định tại nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Theo đó, sau khi hoàn tất các thủ tục, doanh nghiệp phải mang bộ hồ sơ đến Cần Thơ, nơi Hiệp hội Cá tra đặt trụ sở, để xin xác nhận, vừa mất rất nhiều thời gian vừa tốn thêm phí 100.000 đồng/container.

Theo tôi, đây chính là giấy phép “con” đang làm khó doanh nghiệp xuất khẩu. Tôi cho rằng trong điều kiện xuất khẩu khó khăn hiện nay, lẽ ra doanh nghiệp cần được tạo mọi điều kiện về đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu thay vì “đẻ” thêm thủ tục.

* Ông LÊ HẢI LONG (giám đốc Công ty chế biến lương thực Vĩnh Hà, Bình Dương):

Không trở tay kịp với chính sách

Doanh nghiệp xuất khẩu khoai mì lát hiện đang lo sốt vó trước việc tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này từ 0% lên 5% theo thông tư 63 của Bộ Tài chính. Điều bất cập là quyết định nâng thuế quá đột ngột và mức thuế không hợp lý đã đẩy chúng tôi vào nguy cơ thua lỗ.

Các doanh nghiệp cũng không được tham khảo về chủ trương này, trong khi thời gian từ khi ban hành thông tư (ngày 6-5) đến khi có hiệu lực (20-6) quá ngắn khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn.

Doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cũng cầm chắc thua lỗ bởi việc nâng thuế được đưa ra khi mùa vụ khoai mì ở VN đã kết thúc được gần một tháng và doanh nghiệp đã cơ bản mua trữ trong kho để đợi xuất khẩu.

Tuy nhiên, về lâu dài nông dân trồng khoai mì sẽ chịu thiệt bởi các doanh nghiệp xuất khẩu căn cứ vào giá xuất khẩu và thuế để định giá mua nguyên liệu từ nông dân. Mặt hàng này đang phải cạnh tranh với Thái Lan khi xuất sang các thị trường, nên chúng tôi chỉ có thể giảm giá mua khoai mì của nông dân vào vụ tới.

* Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG 
(phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM):

Đừng “vẽ việc” cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp “mệt muốn chết” khi cứ phải chạy theo cập nhật tình hình ban hành văn bản pháp luật của các bộ ngành trong quá trình hoạt động của mình, nhất là khi các chính sách cứ thay đổi xoành xoạch như chong chóng.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đang điêu đứng với quy định phải hợp chuẩn đối với gỗ MDF nhập khẩu theo thông tư 15 do Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Thay vì chỉ khai báo nguồn gốc xuất xứ kèm theo hóa đơn và giấy chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn mà quốc tế đang áp dụng như trước, hiện nay khi nhập loại gỗ này về còn phải đưa đi giám định lại... chất lượng sản phẩm nhập khẩu đã hợp chuẩn chưa, rồi lại đăng ký hợp chuẩn theo quy định mới.

Toàn bộ lô hàng bị ách lại tại cảng, chỉ thông quan sau khi các thủ tục phải làm xong, mất ít nhất hơn một tuần, doanh nghiệp lại phải gánh thêm chi phí lưu kho lưu bãi, chưa kể thời gian và công sức đi lại làm thủ tục.

* Ông DƯƠNG CHÍ THÀNH (phó tổng giám đốc Công ty CP giấy tập Vĩnh Tiến):

Quy định “đá” nhau, doanh nghiệp mệt

Doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với rất nhiều chuyện khó khăn, lại mệt thêm nếu cơ quan quản lý cứ ban hành nhiều thông tư, quy định “đá” nhau.

Chẳng hạn, một đối tác của công ty chúng tôi muốn nhập khẩu một máy in tập vở từ nước ngoài về, nhưng Bộ Thông tin và truyền thông từ chối với lý do phải được bộ cấp phép mới được nhập vì trên giấy phép đăng ký kinh doanh không có hạng mục “xuất nhập khẩu”.

Trong khi đó, giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp này có chức năng “bán buôn” mà theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy phép đăng ký kinh doanh cấp sau năm 2000 khi có chữ “bán buôn” đều được làm cả công tác xuất nhập khẩu. Cơ quan quản lý mỗi nơi nói mỗi phách như vậy, doanh nghiệp chúng tôi cũng rối lắm, không biết hiểu sao cho đúng nữa.

* Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ thông tại TP.HCM:

Hết hải quan đến kiểm lâm “soi” miếng gỗ thông

Việc khai báo kiểm lâm đối với gỗ thông xẻ nhập khẩu đang được áp dụng trở lại đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ.

Theo đó, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải báo kiểm lâm đến cảng kiểm tra trước khi được đưa vào lưu thông, dù đã được hải quan tại cửa khẩu kiểm tra rất kỹ qua máy soi. Và để hoàn thành thủ tục kiểm lâm, doanh nghiệp phải neo hàng lại cảng hoặc tàu 1 - 2 ngày, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi tại cảng.

Theo tôi, đây là một quy định không hợp lý vì gỗ thông xẻ chủ yếu được nhập từ New Zealand, Chile, Úc đều có nguồn gốc từ rừng trồng, có bảng kê chi tiết, lý lịch, nguồn gốc... và được chính các nước này cấp giấy phép khai thác.

Chứng nhận này đều được nhiều nước thừa nhận, trong khi về đến VN lại không có giá trị. L.NAM

TR.MẠNH - T.V.N. ghi Báo Tuổi Trẻ, 25/06/2015