Nghịch lý nghề nuôi tôm: Lợi nhuận giảm, rủi ro tăng
Hiện nay, các vùng nuôi tôm đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, trong khi các chi phí đầu vào, rủi ro dịch bệnh tăng cao khiến cho người nuôi tôm gặp khó khăn.
Giá tôm giảm mạnh
Hiện tôm sú loại 30 con/kg có giá 150 nghìn đồng/kg, giảm so với mức giá 200 - 220 nghìn đồng/kg của tháng trước; tôm sú loại 40 con/kg giảm 50 - 70 nghìn đồng/kg với mức giá hiện tại là 120 nghìn đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg hiện tại chỉ có giá 80 - 82 nghìn đồng/kg, giảm 10 - 12 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 1,6 tấn tôm, trong đó có 275 tấn tôm sú và hơn 1,3 tấn tôm thẻ.
Ông Nguyễn Văn Hai, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, giá tôm hiện nay thấp hơn 40 - 50 nghìn đồng/kg so với mức giá đỉnh điểm của vụ tôm năm ngoái. Với năng suất bình quân 5 tấn/ha thì với mức giá hiện nay người nuôi tôm đã mất 160 đến 200 triệu đồng so với mức giá cao nhất năm ngoái. Đối với tôm thẻ, năng suất mỗi ha khoảng 10 tấn thì người nuôi cũng giảm lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Trong khi đó, các chi phí đầu vào như: thức ăn, con giống, hóa chất, nhân công,… đều tăng, cộng với rủi ro dịch bệnh ngày càng cao khiến người nuôi tôm thêm khó khăn. Kết quả khảo sát giá tại các đại lý kinh doanh thức ăn tôm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, khi giá nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá giữa đồng đô la với đồng Việt Nam… tăng thì lập tức giá thức ăn tôm tăng, nhưng khi các yếu tố đầu vào sản xuất thức ăn tôm giảm thì thức ăn vẫn giữ nguyên.
Hiện thức ăn tôm sú giai đoạn ba tháng tuổi có giá 35.500 đồng/kg, tăng 3.100 đồng/kg so với mức giá cuối tháng ba; thức ăn tôm thẻ chân trắng giai đoạn hai tháng tuổi có giá 27.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với mức giá cuối tháng ba. Với giá thành sản xuất hiện nay, người nuôi cần đầu tư hơn 420 triệu đồng để nuôi một ha tôm sú và hơn 350 triệu đồng để nuôi một ha tôm thẻ chân trắng.
Đó là chưa kể tình trạng doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm giảm chất lượng để tăng lợi nhuận. Chủ một đại lý kinh doanh thức ăn tôm tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho hay, nếu như trước đây hệ số thức ăn (FCR) trong nuôi tôm sú là 1,6 -1,8 (để sản xuất 1 kg tôm cần 1,6 - 1,8 kg thức ăn) thì hiện nay phải là 2.0, còn đối với tôm thẻ chân trắng thì hệ số thức ăn hiện nay là 1,4 - 1,5 trong khi trước đây chỉ 1,1 (cùng một loại thức ăn).
Rủi ro dịch bệnh tăng
Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông cho biết, khu vực này có 10 hộ nuôi thì có đến chín hộ nuôi tôm bị bệnh phải thu hoạch sớm.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, đến thời điểm này diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh là 557,9 ha (390,2 triệu giống), chiếm 35% diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh, trong đó diện tích tôm sú thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại là 210,1 ha (chiếm 27,5%), tôm thẻ là 347,8 ha (chiếm 43%). Với giá tôm giống bình quân hiện nay khoảng 70 đồng/con, chỉ tính riêng thiệt hại về con giống thì giá trị thiệt hại đã hơn 27 tỷ đồng.
Đáng lo ngại hơn, đến thời điểm này nguyên nhân chính gây ra hội chứng gan, tụy bị hoại tử gây thiệt hại hàng loạt trên tôm trong thời gian qua cũng chưa được các nhà khoa học xác định nên gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Chi cục Thủy sản Tiền Giang đã tiến hành lấy 14 mẫu nước các kênh cấp chính trong các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và mẫu nước, mẫu bùn đáy ao trong các ao nuôi tôm bị thiệt hại do tôm bị bệnh hoại tử gan, tụy để gửi phòng kiểm nghiệm kiểm tra dư lượng Cypermethrin, nhưng tất cả các mẫu đều không phát hiện dư lượng loại thuốc bảo vệ thực vật này.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng thừa nhận, nếu như trước đây Cypermethrin được kết luận là nguyên nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan, tụy thì hiện nay tôm chết do hoại tử gan, tụy xảy ra ở cả những chỗ không hề dùng các loại hóa chất diệt giáp xác có thành phần Cypermethrin. Điều này khiến các nhà khoa học “đau đầu”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu giảm trong thời gian qua một phần là do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhiều nước cắt giảm kế hoạch chi tiêu và người tiêu dùng chuyển sang mua các loại tôm cỡ nhỏ.
Điều này đã khiến các đơn đặt hàng tôm cỡ lớn giảm từ đầu năm 2012, kéo theo giá tôm nguyên liệu cũng đi xuống. Mặt khác, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trong nước đều gặp khó khăn về vốn nên họ chỉ thu mua lượng tôm nguyên liệu vừa đủ để đáp ứng các đơn hàng đã ký trước đó.
Dự báo sản lượng tôm chân trắng của Thái Lan năm 2012 có thể tăng tới 700 nghìn tấn. Tương tự, sản lượng tôm chân trắng của Ấn Độ dự kiến đạt 100 nghìn tấn, tăng 30% so với năm ngoái, trong khi sản lượng tôm sú của có khả năng giảm khoảng 40 – 50% xuống còn 60 - 70 nghìn tấn. Cùng với đó, sản lượng tôm chân trắng của Việt Nam cũng được dự báo tăng mạnh nên giá tôm được dự báo sẽ tiếp tục giảm.