Ngoài nhiệt độ, thời tiết còn tác động gì đến NTTS?
Thời tiết khí hậu là những yếu tố có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các loại hình nông nghiệp, bao gồm nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên người nuôi chỉ quan tâm nhiều đến nhiệt độ mà bỏ qua sự gây hại của các diễn biến thời tiết khác.
Nhiệt độ
Nhiệt độ từ xưa đến nay đã gây ra không ít hạn chế đối với các mô hình nuôi thủy sản, nhiệt độ nước thay đổi là do sự điều khiển của khí hậu. Tùy thuộc vào phạm vi nhiệt độ chịu đựng của vật nuôi mà nên chọn loài nuôi nào phù hợp với khu vực. Trong quá trình nuôi, nhất là lúc thả giống và thu hoạch thì nhiệt độ càng phải ổn định vì đây là hai thời điểm nhạy cảm nhất của vật nuôi, quyết định đến chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Tốc độ của các phản ứng hóa học trong cơ thể sinh vật sẽ tăng lên 2 hoặc 3 lần khi nhiệt độ tăng thêm 10oC. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý của vật nuôi. Nếu phát triển trong môi trường nước có phạm vi nhiệt độ tối ưu, thì tốc độ tăng trưởng của các loài thủy sản cũng tăng gấp đôi khi tăng lên 10oC. Tương đương với mức tăng trưởng khoảng 10% cho mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1oC. Khi vượt quá khoảng nhiệt độ tối ưu thì đương nhiên tốc độ tăng trưởng của vật nuôi sẽ chậm lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy lượng mưa cao sẽ làm gia tăng nồng độ oxy hòa tan trong ao. Một lượng mưa 10cm với nhiệt độ 20oC sẽ cung cấp 9.07gr oxy hòa tan. Nhưng hấu hết các trận mưa đều dưới 10cm. Nhiệt độ nước cao hơn dẫn đến khả năng hòa tan của oxy trong ao thấp. Ở nhiệt độ 20oC áp suất khí quyển có thể khuếch tán 9,07mg/L oxy hòa tan vào trong ao, nhưng ở nhiệt độ 30oC chỉ có 7,54mg/L. Và khi hàm lượng oxy hòa tan bị hạn chế thì sự hô hấp của vật nuôi thủy sản sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Âm u, gió lớn và bão
Khi mây nhiều che phủ bầu trời, lượng ánh sáng chiếu xuống ao sẽ giảm đáng kể, làm hạn chế sự quang hợp của thực vật phù du. Điều này có thể dẫn đến nồng độ oxy hòa tan thấp vào cuối thời gian chiếu sáng ban ngày và thấp hơn nữa vào ban đêm khi quá trình quang hợp kết thúc. Do đó, bầu trời u ám liên tục có thể làm vật nuôi căng thẳng hoặc thậm chí là tử vong do giảm nồng độ oxy hòa tan mà không có sự sục khí.
Ở những khu vực có gió mạnh cũng có tác động tới thủy sản, những cơn gió này sẽ tạo ra những làn sóng làm tăng tốc độ trao đổi khí với khí quyển. Điều này đẩy nhanh quá trình oxy hóa và tăng cường sự chuyển hóa các khí độc trong nước. Tuy nhiên, việc khuấy trộn này của gió cũng sẽ hạn chế sự phân tầng nhiệt độ và giúp oxy hòa tan di chuyển được đến những khu vực yếm khí. Nhưng gió quá mạnh sẽ gây sự xói mòn cho bờ ao, tạo ra các ván lớn ở các góc ao với những ao có sự nở hoa của tảo. Gió mạnh cũng gây ra sự mất ổn định nhiệt độ, dễ cạn kiệt hoàn toàn lượng oxy hòa tan, trộn lẫn nhiều chất thải hữu cơ và các chất khử khác vào nước. Những điều này có thể gây ra việc tôm cá chết hàng loạt tại các trại nuôi.
Bão kèm theo mưa lớn liên tục sẽ làm nước dâng lên hoặc lũ lụt gây tràn bờ, làm các vật nuôi thủy sản thoát ra ngoài. Lồng nuôi cũng có thể bị phá hỏng do sóng lớn và bão gây ra.
Hạn hán
Hạn hán cũng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các cơ sở phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. Các ao nuôi có thể giảm rất nhiều về thể tích nước. Điều này làm các vật nuôi thủy sản gom lại thành một khối và cũng làm tập trung các chất chuyển hóa độc hại. Cộng thêm sự tập trung các chất dinh dưỡng dẫn tới việc nở hoa của tảo, làm nhu cầu oxy lớn hơn do sự phân hủy nhiều của các vi sinh vật. Các cửa sông bị hạn ít có sự “giao lưu” với biển, hạn hán làm giảm dòng nước ngọt và độ mặn tăng với tốc độ bất thường. Độ mặn cao đột ngột có thể làm thủy sản nuôi stress, còi cọc, và có thể tử vong với số lượng lớn.
Băng phủ
Trong mùa đông, băng phủ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với thủy sản. Tuy nhiên những nơi bị băng bao phủ hoàn toàn sẽ không mấy ảnh hưởng đến các vật nuôi. Mà băng làm quá trình quang hợp cung cấp ít oxy hòa tan hơn bình thường. Sự cạn kiệt oxy này sẽ làm quá trình phân hủy hữu cơ trong ao và hô hấp của vật nuôi bị trì trệ khi có băng xuất hiện. Tỷ lệ tử vong của tôm cá trong tình huống này là rất cao.
Con người không thể ngăn chặn các diễn biến thời tiết trên xảy ra, cũng không chỉ có những sự kiện tự nhiên được nhắc tới ở trên mà còn có rất nhiều hiện tượng thời tiết khác đe dọa đến ngành thủy sản. Do vậy các cơ sở nuôi nên xây dựng kiên cố và có kế hoạch cụ thể để chống lại những hiện tượng thời tiết mà khu vực đó có thể gặp phải. Rất phức tạp để dự đoán về các ảnh hưởng trong tương lai của việc biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản. Nhưng chắc chắn sự khắc nghiệt của khí hậu sẽ ngày càng nhiều thêm, vì thế cần có những biện pháp phòng tránh kịp thời để tránh những thiệt hại đáng tiết cho các vùng nuôi thủy sản.