TIN THỦY SẢN

Ngọc Hiển: Chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm

Đến năm 2020 huyện Ngọc Hiển phát triển 50 cơ sở sản xuất giống sinh thái, nhằm tăng cường giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản. Hồng My - Chí Hiếu

Từ đầu năm đến nay, tôm bị nhiễm bệnh ở huyện Ngọc Hiển khoảng 460 ha, mức độ thiệt hại từ 30-60%, năng suất sụt giảm. Trong đó, tập trung ở diện tích tôm - rừng kết hợp (hơn 300 ha). Nguyên nhân tôm bị bệnh do ảnh hưởng của thời tiết biến động, môi trường nước thay đổi đột ngột làm tôm giảm sức đề kháng.

Ông Lê Tấn Lực, ấp Đồng Khởi, xã Tân Ân Tây, có nhiều năm sống bằng nghề nuôi tôm kết hợp trồng rừng. Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến phức tạp lại thêm tác động từ môi trường nước nên sản lượng thuỷ sản thu hoạch dần ít đi. Tôm chết thất thường, thu nhập bấp bênh khiến ông Lực không khỏi trăn trở, lo lắng cho cuộc sống gia đình. Với diện tích 7 ha, qua 3 lần thả con giống và tiền cải tạo vuông tôm trên 10 triệu đồng, nhưng từ đầu năm đến nay ông Lực không có tôm để bán. Ông Lực cho biết: “Trước tình trạng tôm chết, tôi chẳng biết làm sao. Những kinh nghiệm, kiến thức của bản thân có được, tôi đã áp dụng vào hết, nhưng tình trạng tôm chết vẫn xảy ra. Bao nhiêu của cải, công sức bỏ ra giờ chỉ biết đứng nhìn mà tiếc. Cuộc sống của gia đình nhờ vào con tôm mà cứ thất mùa như thế này thì lấy gì mà sống. Thậm chí, nhiều hộ nuôi tôm gần đây vì lỗ vốn, không có thu nhập, phải bỏ đi làm ăn xa”.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tín, ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, là hộ dân gắn bó với nghề nuôi tôm nhiều năm nay, nhưng hiện tại cũng rơi vào cảnh lao đao vì tôm chết, thất mùa cứ liên tiếp xảy ra. Đứng trước khó khăn, trở ngại do con tôm, ông Tín đã tìm một hướng đi mới cho gia đình bằng cách tận dụng diện tích vuông tôm 4 ha, ông thực hiện mô hình nuôi tôm - cua kết hợp trồng rừng. So với tôm thì cua ít bệnh, giá thành tương đối cao, thời gian thu hoạch nhanh nên người dân có thu nhập ổn định hơn. Nhờ vậy, mô hình nuôi cua trong vuông tôm phần nào giảm bớt gánh nặng, rủi ro do con tôm mang lại, giúp gia đình ông Tín có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế.

Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, các ngành chức năng huyện khuyến cáo một số giải pháp cho người dân như: thả giống theo đúng lịch thời vụ và lựa chọn mua con giống tại các cơ sở có uy tín, đạt chất lượng đã được địa phương kiểm dịch. Người nuôi cần có ao lắng để lấy nước vào vuông nuôi, không lấy trực tiếp từ môi trường bên ngoài để hạn chế ô nhiễm nguồn nước gây ra dịch bệnh. Khi phát hiện tôm bệnh phải báo ngay đến cán bộ kỹ thuật để có biện pháp xử lý và thông báo cho các hộ dân xung quanh phòng tránh lây lan. Đây là những giải pháp trước mắt để giúp người dân ứng phó với thời tiết khắc nghiệt và hạn chế tình trạng tôm chết, tăng năng suất cho vụ nuôi và ổn định thu nhập cho người nuôi thuỷ sản.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: “Ngoài những giải pháp hạn chế dịch bệnh, đầu mùa vụ chúng tôi đã hướng dẫn người dân kê khai sản xuất ban đầu nhằm hỗ trợ một phần chi phí khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Tính đến nay, huyện Ngọc Hiển có trên 8.000 hộ nuôi thuỷ sản đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với diện tích 10.886 ha. Việc thực hiện kê khai sản xuất ban đầu sẽ giúp người dân khắc phục rủi ro và có nguồn vốn tái sản xuất”.

Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, huyện đã chọn con tôm là ngành hàng chủ lực. Mục tiêu của huyện là hình thành những vùng nuôi tôm sinh thái đạt 18.800 ha vào năm 2020, phấn đấu mỗi năm đạt 30.000 tấn thuỷ sản.

Để giảm tỷ lệ tôm bị nhiễm bệnh, huyện Ngọc Hiển đang mời gọi các nhà khoa học bày cách phát triển mô hình nuôi tôm bền vững, tăng thu nhập cho nông dân, khẳng định được thế mạnh về con tôm của huyện ven biển. Từ những giải pháp hỗ trợ, hướng đi mới trong sản xuất, phần nào giúp người dân khắc phục tình trạng dịch bệnh, thất mùa giảm bớt thiệt hại để tiếp tục phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng hiệu quả, bền vững.

Hồng My - Chí Hiếu Báo Cà Mau