TIN THỦY SẢN

Ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn sau bão số 10

Tàu thuyền tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Gianh đã tránh được thiệt hại trong bão số 10 N.L

Mặc dù ngư dân và chính quyền các địa phương ven biển đã chủ động và tích cực trong công tác đối phó với thiên tai, nhưng với sức tàn phá nặng nề của bão số 10, tàu thuyền của ngư dân vẫn thiệt hại quá sức tưởng tượng. Ngay sau cơn bão đi qua, nỗi lo của ngư dân ngày càng lớn hơn bởi con đường duy nhất để ổn định cuộc sống là phải bám biển,  nhưng lấy đâu nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng để trục vớt tàu, để tu sửa tàu thuyền và để tiếp tục vươn khơi...?

Chúng tôi về Đức Trạch (Bố Trạch) và chứng kiến cảnh ngư dân đang xót xa nhìn những con tàu đã bị bão vùi dập, đánh gãy và nằm mắc cạn trên bờ. Trong số gần 20 tàu cá bị hư hỏng và mắc cạn do bão số 10 của xã Đức Trạch, có tàu cá của ông Nguyễn Minh Quý, ở thôn Thượng Đức có công suất 575 CV đang giai đoạn hoàn thiện. Song cơn bão với gió giật trên cấp 12 cộng với triều cường đã đánh dạt tàu cá của ông mắc cạn ở bờ. Giờ đây, ngoài nỗi lo về số tiền đã vay để đóng tàu, ông còn phải chạy đôn, chạy đáo lo thêm khoản kinh phí không phải là nhỏ để di dời tàu về biển. Ông Quý buồn bả chia sẻ, "Nếu để tàu mắc cạn càng lâu thì càng làm ảnh hưởng đến máy móc và thân tàu, nhưng giờ bỏ ra một số tiền để cẩu tàu xuống nước và cho ra biển thì nhiều quá chúng tôi không thể lo nổi...".

Cũng như trường hợp của ông Quý, gần 40 chủ tàu của xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cũng đang lo lắng và đối mặt với những thiệt hại của bão số 10 gây ra đối với tàu cá của mình. Điều đáng nói là, hầu hết các tàu bị  nạn ở các địa phương do các chủ tàu không tham gia mua bảo hiểm tàu cá để đề phòng khi có thiên tai xảy ra nên vấn đề hỗ trợ về thiệt hại cho các tàu cá càng "rối như tơ vò". Anh Nguyễn Tuấn Anh, thôn Yên Hải, xã Cảnh Dương cho biết: "Trước đây chúng tôi đều tham gia mua bảo hiểm, nhưng 2 năm trở lại đây chúng tôi không thiết tha mua bảo hiểm nữa.

Nguyên nhân là do lúc có thiên tai, tai nạn xảy ra thì việc làm thủ tục để thanh toán bảo hiểm rất khó khăn và nhiều trở ngại, mặt khác thời điểm bán bảo hiểm thường đến vào khoảng tháng 9-10 là thời gian hay bị bão lụt lại hết thời hạn". Trước những khó khăn đó, ông Lê Viết Xuân, ở thôn Cảnh Thượng, xã Cảnh Dương đã có mong muốn: "Thiệt hại đối với ngư dân chúng tôi rất nặng nề, nên ngư dân chúng tôi mong muốn có sự giúp đỡ của Nhà nước, của tỉnh, của địa phương trong việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để ngư dân sớm khắc phục tàu để ra khơi đánh bắt". Đó có lẽ cũng là mong muốn của hàng trăm ngư dân trong tỉnh đang bị thiệt hại trong cơn bão số 10 vừa qua.

Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300 tàu cá các loại bị hư hỏng và chìm do bão số 10 gây ra. Trong đó, tàu bị cuốn trôi là 18 chiếc, tàu bị chìm là 142 chiếc (có 40 chiếc có công suất trên 20CV), bị hư hỏng có 99 chiếc và bị mắc cạn trên bờ là 69 chiếc. Huyện Quảng Trạch là địa phương số lượng tàu bị thiệt hại cao nhất, tiếp đến là thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch.

Trước mắt, để giúp ngư dân khắc phục hậu quả do thiên tai, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang huy động các chiến sĩ tại các đồn biên phòng ven biển khẩn trương tham gia trục vớt các tàu bị chìm, khắc phục sự cố hỏng hóc trên tàu bị hư hỏng. Cùng với đó, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ gồm: hỗ trợ kỹ thuật để trục vớt tàu bị mắc cạn đối với những trường hợp đặc biệt; thống kê lại tổng số thiệt hại để đề xuất UBND tỉnh có sự hỗ trợ cho ngư dân; động viên và thăm các gia đình ngư dân bị thiệt hại.

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong thời gian tới, ngoài các chính sách hỗ trợ thiết thực giúp cho ngư dân vươn khơi bám biển, thì việc tuyên truyền và có cơ chế để ngư dân mua bảo hiểm tàu biển cũng chính là một bài học kinh nghiệm cho việc khắc phục hậu quả sau thiên tai.

N.L Báo Quảng Bình Online, 14/10/2013