Ngư dân nuôi cá nước ngọt lãi to
Ngư dân các xã biển Lệ Thủy đẩy mạnh phong trào nuôi cá lóc nước ngọt. Mỗi năm, doanh thu từ nghề nuôi này lên đến cả trăm tỷ đồng…
Những năm gần đây, ngư dân các xã biển Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã phát triển mạnh phong trào đào hồ trên cát nuôi cá lóc (hay còn gọi là cá tràu, cá quả).
Nghề nuôi mới này đã cho ngư dân có nguồn thu đáng kể. Ngư dân ở vùng biển bãi ngang không chỉ giỏi về khai thác biển mà còn có chuyên môn cao trong việc nuôi cá nước ngọt.
Chúng tôi về thôn Bắc Hòa (xã Ngư Thủy Bắc), nơi có số hộ ngư dân nuôi cá lóc nhiều nhất trong vùng. Ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng thôn cho hay, cả thôn có 175 hộ dân thì có trên 100 hộ có hồ nuôi cá lóc. Thu nhập bình quân mỗi hộ nuôi mỗi năm cũng được trên trăm triệu đồng.
Anh Trần Kim Phi (thôn Bắc Hòa) là một trong những người đầu tiên đào ao nuôi cá ở vùng cát này. Sau này, anh Phi thành lập Hợp tác xã cung ứng con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho bà con trên vùng cát nên tạo được sự ổn định đầu ra cho bà con.
“Ban đầu cũng nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhưng rồi nuôi cũng dần quen. Lãi ngày càng nhiều hơn nên ai cũng ham mở rộng, đào thêm hồ mới. Hợp tác xã lo cho bà con về dịch vụ cung ứng và bao tiêu sản phẩm nên bà con cũng tín nhiệm và an tâm hơn trong đầu tư hồ để có thu nhập ngày càng khá.
Không chỉ đi tiên phong trong việc nuôi cá và áp dụng công nghệ cao, anh Phi còn làm thêm nhiệm vụ quan trọng là cung ứng giống, thức ăn và thu mua hết sản lượng cá lóc cho bà con trong địa phương.
Mỗi ngày, tại trang trại, trung bình hợp tác xã nhập sản lượng khoảng 7-10 tấn cá và sau đó chuyển đi cho các bạn hàng trong các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Trung bình mỗi năm, anh Phi thu mua khoảng 2.000 tấn cá.
Bà Ngô Thị Liên vừa nhập khoảng 3 tấn cá hồ hởi nói: “Nhờ có Hợp tác xã mà mọi người đỡ vất vả trong việc nuôi con giống, thức ăn và còn được anh hướng dẫn kỹ thuật. Nếu không có Hợp tác xã thu mua hết cá thì bà con tiêu thụ cũng gặp khó khăn lắm. Giá cả thì luôn theo giá thị trường. Khi mua bao giờ anh cũng thông báo giá trước cho bà con tham khảo nên không có chuyện ép giá hay eo sách gì cả”.
Sau khi thành lập Hợp tác xã, anh Trần Kim Phi đã mạnh dạn thực hiện đề án chuỗi sản xuất. Hợp tác xã sản xuất giống tốt để cùng cấp cho bà con. Cung ứng thức ăn, hỗ trợ kinh nghiệm, quy trình nuôi.
“Điều quan trọng nhất là thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con ở mức giá cao nhất có thể. Như vậy, dần dần sẽ hình thành một vùng chuyên nuôi cá lóc khép kín ở tất cả mọi công đoạn. Hiện chúng tôi đang tiếp thị thị trường khắp cả nước để ổn định đầu ra. Qua đó, động viên bà con mở rộng diện tích hồ, tăng sản lượng nhằm tăng cao thu nhập”, anh Phi bộc bạch thêm.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Võ Văn Điển (thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc), khi đang thu hoạch cá. Hồ đào giữa đồng cát có độ sâu chừng 4m. Nước trong hồ luôn ở mức khoảng 1m.
Trước khi thu hoạch, anh Điển cho bơm cạn hồ nên nhìn xuống chỉ thấy cá đặc hơn cả nước. Anh Điển cho hay, hồ rộng khoảng 300m2, cá thả chừng 7 tháng rồi. Cơ bản là đạt loại một (trọng lượng mỗi con nặng 0,7kg trở lên). Những con cá vượt đàn có thể đạt đến 2kg/con.
“Ước trung bình mỗi hồ thế này có sản lượng từ 15-17 tấn. Mỗi vụ cá cho lãi khoảng 200 triệu đồng”- Anh Điển nói.
Tại xã Ngư Thủy Bắc, có gần 200 gia đình đào hồ nuôi cá lóc. Trong đó có hàng chục hộ đầu tư phát triển nuôi từ 5-6 hồ (có diện tích từ 100-300m2 mỗi hồ).
Trung bình mỗi năm thu nhập lãi ròng cũng ngót nghét bạc tỷ. Nhà ít thì cũng đầu tư được 1-2 hồ, thu nhập từ nuôi cá nước ngọt được một vài trăm triệu đồng. Những năm gần đây, sản lượng cá lóc của bà con đạt từ 2.000-2.500 tấn, thu về từ 100-125 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết, toàn xã có gần 1.300 hộ dân. Cách đây khoảng 3 năm thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%. Đến nay đã giảm về còn khoảng trên 10%.
“Nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả, giàu có nhờ nuôi cá lóc. Vì vậy, chúng tôi có định hướng xây dựng thương hiệu cá lóc của địa phương và gắn liền với sản phẩm sạch, an toàn”- ông Trung nói thêm.