TIN THỦY SẢN

Ngư dân vùng Formosa đón Tết ra sao?

Cá tôm đã hồi sinh vùng biển ở Thừa Thiên- Huế (ảnh Quang Nhật) Minh Tuấn – Quang Nhật –Thanh Nhàn

Giáp Tết trên khuôn mặt của những ngư dân vùng Formosa đầy vẻ rạng ngời, bởi cá tôm đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ.

Giáp Tết, khi những tia nắng ấm áp tràn về, đi dọc bờ biển Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, nơi từng xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, hàng trăm ghe thuyền lại hối hả ra khơi. Khác với những tháng trước, giờ đây trên khuôn mặt của những ngư dân đầy vẻ rạng ngời, bởi cá tôm đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ.

Hối hả những chuyến tàu cuối năm

Quảng Công là xã bãi ngang ở Thừa Thiên- Huế, cứ chiều chiều là những chiếc thuyền máy lại nối nhau đạp sóng ra khơi. Ngư dân Phan Văn Mạnh (55 tuổi), trú thôn Lương Giáng, xã Quảng Công, cho biết đã 35 năm gắn với nghiệp biển. Hỏi về nghiệp biển, lão nói cái nghề lúc có lúc không mỗi lần ra khơi là chuyện bình thường. "Năm rồi đúng là khó khăn cho chúng tôi, thời tiết không thuận lợi, xảy ra sự cố môi trường nên thất bát. Giờ cá tôm đang hồi sinh, cuối năm cũng có thu nhập kha khá để có tiền sắm Tết" - ông Mạnh chia sẻ.

Nhà ông Mạnh có 7 người con, tất cả đều vào vào Nam làm ăn, chỉ còn mỗi ông vẫn bám biển cho đến bây giờ. Ông Mạnh cũng như nhiều người ở thôn Lương Giáng chủ yếu dùng thuyền máy có công suất 16 – 24CV đi đánh bắt gần bờ. Ngày nào biển đẹp mới đi đánh bắt và về trong ngày.

Trong nhà ông, những cành mai đang khoe sắc tươi thắm, không khí đầm ấm bởi con cái sum vầy đón Tết khiến cho ông quên đi những ngày tháng biển thất bát.

Lúc chúng tôi ra đến biển thuộc xã Quảng Ngạn, một tàu của ngư dân vừa cập bến. Anh Trần Tấn (38 tuổi, với 23 năm làm nghề đi biển), chủ tàu nhanh chân bưng thùng ghẹ, mẻ cá vừa đánh bắt được vào bờ. Khoang thuyền anh Tấn đầy ắp cá hanh, cá chài, ghẹ sao… "Đây là chuyến biển cuối cùng trong năm, chừng này cũng được vài triệu đồng, đủ cho gia đình sắm Tết" - anh Tấn nói.

Năm 2016, sự cố môi trường biển ảnh hưởng nặng nề không những cho người dân ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn mà nhiều địa phương khác của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các ngư dân đã được nhà nước chi trả đền bù đợt 1 nên cuộc sống vơi bớt khó khăn. Số tiền nhận được, nhiều người đã dành cho việc mua sắm ngư lưới cụ để tiếp tục bám biển, người lại dành giụm trang trãi cho cuộc sống hàng ngày để qua mùa biển động.


Sự lạc quan của người dân vùng biển xã Quảng Ngạn. (ảnh Quang Nhật)

Anh Trần Văn Sang, một ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tâm sự: "Đời ngư phủ là vậy, lúc thì khấm khá, khi thì thất bát. Có năm được đón cái Tết đầy đủ, năm thì chạy vạy khắp nơi để sắm sửa cho gia đình. Năm nay cũng khá khó khăn nhưng đã qua rồi, chúng tôi mong ước biển luôn sạch, luôn đầy cá tôm để mỗi lần ra khơi lại có thu nhập".

Thắp sáng niềm hy vọng

Trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, phóng viên báo Người Lao Động cũng trở lại vùng biển bãi ngang xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để chứng kiến cuộc sống mưu sinh của bà con ngư dân. Được biết, đây là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự cố môi trường biển do Formosa gây nên bởi có đến 80 % người dân làm nghề đi biển.


Ngư dân làng biển Cảnh Dương (Quảng Bình) chuẩn bị ngư cụ để ra khơi trong những ngày cận Tết Nguyên đán (ảnh Minh Tuấn)

Đến bến tàu, chúng tôi gặp gia đình ngư dân Nguyễn Ngọc Hoa (SN 1975) đang tất bật sửa soạn ngư cụ để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi cuối năm. “Gia đình tui làm nghề đi lộng hơn 15 năm nay, chủ yếu đánh các loại cá gần bờ. Cứ chiều đi thì rạng sáng mai về bán kiếm chút thu nhập nuôi sống bản thân. Khác với khung cảnh hiu hắt của những ngày trước, đi dọc các làng biển của xã Cảnh Dương vào những ngày này từ bến tàu cho đến bờ biển, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh bà con ngư dân tất bật chuẩn bị ngư cụ, sửa sang phương tiện, dầu đèn ra khơi.

Trên khuôn mặt chai đen, sạm nắng mang dáng dấp của phụ nữ người làng biển, chị Trần Thị Hương (40 tuổi) đang hối hả phụ chồng vá lưới để kịp chuyến ra khơi trở lại sau gần 7 tháng úp thuyền. Chị Hương cho biết thời gian gần đây hầu hết bà con đã trở lại với biển dù cho giá cả hải sản không còn cao được như trước. “Mỗi chuyến ra khơi đợt này dù thu nhập không đáng là bao nhưng bà con thấy rất phấn khởi, sau nhiều ngày treo lưới ông xã tui rất ngứa nghề nên quyết đi bằng được” – chị Hương nói cười.


Ngư dân làng biển Cảnh Dương (Quảng Bình) chuẩn bị ngư cụ để ra khơi trong những ngày cận Tết Nguyên đán (ảnh Minh Tuấn)

Theo chị Hương, gia đình chị ngày trước đi đánh bắt gần bờ, mỗi đêm thu nhập xấp xỉ 1 triệu đồng nhưng nay được khoảng 200 – 300 ngàn đồng cũng tạm đủ trang trải vài thứ trong gia đình. Thời gian gần đây, thương lái đã tìm đến bến tàu thu mua hải sản, đây là một tín hiệu mừng để giúp họ có động lực hơn khi trở lại với biển cả.


Ngư dân làng biển Cảnh Dương (Quảng Bình) chuẩn bị ngư cụ để ra khơi trong những ngày cận Tết Nguyên đán (ảnh Minh Tuấn)

Nhiều ngư dân làng biển Quảng Bình đã nhận được tiền bồi thường đợt 1 từ sự cố môi trường biển, từ khi có tiền bà con dành dụm để sửa sang lại tàu thuyền, trang bị them lưới cho những chuyến ra khơi phục vụ cho những ngày Tết Nguyên đán 2017 đang cận kề. “Chúng tôi rất vui vì cá đã bán được, ngư dân ai cũng vui vẻ” – ngư dân Lê Văn Huệ (SN 1969) tâm sự.

Trên khuôn mặt ngư dân làng biển Cảnh Dương đã rạng ngời trở lại. Đối với bà con ngư dân, mong muốn lớn lao nhất có lẻ là biển sạch trở lại như trước để họ có thể yên tâm ra khơi.

Minh Tuấn – Quang Nhật –Thanh Nhàn Người lao động, 24/01/2017