TIN THỦY SẢN

Người đàn ông bị máy sục khí oxy ao tôm cuốn suýt chết

Máy sục khí tạo dòng chảy thường được dùng trong các ao nuôi thủy sản - Ảnh: Bệnh viện cung cấp T. Lũy

Ngày 10-6, các bác sĩ khoa ngoại thận - tiết niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết vừa phẫu thuật cấp cứu một trường hợp bị máy sục khí tạo dòng chảy oxy nuôi tôm, cuốn lóc hết da bìu lộ 2 tinh hoàn.

Theo người nhà thì ngày 9-6, bệnh nhân là ông C.N.H. (52 tuổi, ở huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng), trong lúc lội xuống ao nuôi thủy sản, sơ ý để quần áo vướng vào máy sục tạo khí và bị máy đang quay cuốn lôi nhiều vòng, nhấn chìm xuống nước. 

Nạn nhân cố thoát ra khỏi máy bơi được vào bờ kêu cứu. Lúc lên bờ, quần áo đã bị cuốn rách hết, bộ phận sinh dục bị lóc da gây chảy máu nhiều được người nhà đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân bị bí tiểu, xây xát da vùng bụng, vết thương ở bộ phận sinh dục lóc da nham nhở, mất gần nửa diện tích da bìu lên tới tầng sinh môn, lộ tinh hoàn.

Êkíp trực cấp cứu đã xử lý kháng sinh chống nhiễm trùng, đặt thông tiểu và quyết định mổ cấp cứu. Bác sĩ dùng phương pháp phẫu thuật thám sát cắt lọc vết thương, khâu lại da bìu bao phủ tinh hoàn... Hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định, vết thương khâu da đã hồng ấm.


Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh: T. LŨY

Bác sĩ Võ Hoàng Tâm, khoa ngoại thận - tiết niệu, cho biết trước đó khoa cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn do máy sục khí nuôi tôm, đa phần bất cẩn khi lao động và bị cánh quạt máy cuốn dính áo quần và cuốn theo da vùng bộ phận sinh dục. 

Khi tai nạn xảy ra, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cầm máu. Sau đó, chuyển đến các cơ sở y tế chuyên sâu về tiết niệu - nam khoa để phẫu thuật vi phẫu tạo hình, ghép da khôi phục chức năng.

Thông thường các tình huống thường gặp tai nạn do bơi xuồng di chuyển qua lại giữa cánh quạt; dùng tay ấn láp máy để nhấn chìm cánh quạt xuống mặt nước, đứng gần cánh quạt; châm nước vào phao bộ phận của máy; ốc vít nối giữa hai láp máy quấn vào áo quần…

Vì vậy khuyến cáo người lao động khi xuống ao nuôi cá, tôm nên mặc quần bơi gọn gàng hoặc đồ bảo hộ lao động có che chắn khi xuống nước. Đồng thời chỉ vệ sinh và sửa chữa máy khi các cánh quạt ngưng hoạt động. 

T. Lũy Tuổi Trẻ