Người đầu tiên “hóa giòn” cá chép ở Quảng Trị
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Đức Tiến ở tại thôn Long Hưng (xã Hải Phú – huyện Hải Lăng) đã trở thành người đầu tiên nuôi thành công cá chép giòn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trao đổi với chúng tôi anh Tiến cho biết, gia đình anh có 2 ao nuôi với hơn 3.000 m2 diện tích mặt nước. Những năm trước đây anh chủ yếu thả nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá mè… mặc dù năng suất tương đối khá nhưng do giá bán thấp nên thu nhập mang lại không cao. Tình cờ anh đọc thấy mô hình nuôi cá chép giòn được thực hiện thành công tại tỉnh Hải Dương, nhận thấy đây là một mô hình phù hợp với điều kiện ao hồ của gia đình lại mang lại lợi nhuận tương đối cao, không quản ngại khó khăn anh đã lặn lội tìm tới tận nơi xin vào làm công nhân để học tập kinh nghiệm. Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá cộng với bản tính thích tìm tòi, học hỏi những cái mới, sau khi nắm vững kỹ thuật, trở về quê anh đã mạnh dạn thả nuôi 200 con cá chép thường kích cỡ từ 0,7 – 1 kg trên diện tích 1.000 m2 và sử dụng hạt đậu tằm để cho ăn nhằm tạo độ săn chắc cho thịt cá.
Theo quan sát, hình dáng bên ngoài của cá chép giòn không có gì khác biệt so với giống cá chép ta mà người dân vẫn thường nuôi, tuy nhiên khi chế biến thịt cá có độ dai, giòn. Người ăn không thể dùng đũa để tách thịt cá mà phải dùng dao hoặc kéo để cắt thịt cá ra thành từng miếng nhỏ. Trao đổi về vấn đề này anh Tiến cho biết: Hiện nay nhiều người vẫn chưa rõ về nguồn gốc giống cá chép giòn này, đa phần đều cho rằng giống cá chép giòn này được lai tạo từ một loài cá có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Nga. Tuy nhiên thực tế là giống cá đều là giống cá chép thường mà lâu nay mọi người vẫn thường nuôi. Còn nguyên nhân chính làm thịt cá chép “hóa giòn” là nhờ cho cá ăn hạt đậu tằm.
“Ở các hộ nuôi thành công mô hình cá chép giòn này họ chủ yếu thả nuôi từ cá giống lên, trong khoảng 5 – 7 tháng đầu cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, khi cá đạt trọng lượng từ khoảng 0,8 – 0,9 kg trở lên, người nuôi mới bắt đầu cho cá ăn bằng đậu tằm để cá đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg là xuất bán. Với ao nuôi của tôi, do đây là lần đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá chép “hóa giòn” này nên để ăn chắc tôi chỉ thả nuôi cá có kích cỡ lớn và cho cá ăn hoàn toàn bằng hạt đậu tằm. Đến nay sau gần 5 tháng nuôi “hóa giòn”, cá đạt kích cỡ từ 1,2 – 2 kg/con. Thịt cá săn chắc, đủ tiêu chuẩn “giòn” để xuất bán”, anh Tiến chia sẻ.
Theo anh Tiến, hạt đậu tằm anh sử dụng là hạt đậu tằm được nhập về từ Úc với giá 22.000 đồng/kg. Trên bao bì ghi rõ là “Đậu tằm không biến đổi gen”, có chứng nhận nhập khẩu nên rất đảm bảo chất lượng. Ước tính khoảng 2,5 kg đậu tằm sẽ cho 1 kg cá. Chia sẻ về những kinh nghiệm trong nuôi cá chép giòn, anh Tiến cho biết: Hạt đậu tằm trước khi cho cá ăn phải được ngâm trong nước muối loãng khoảng 24 giờ để hạt đậu mềm ra. Sau đó vớt ra rửa lại bằng nước sạch rồi mới cho cá ăn. Để tập cho cá quen với hạt đậu tằm thì ban đầu cần phải chọn chỗ cho cá ăn cố định, dưới đáy ao trải 1 lớp bạt rồi cho đậu tằm vào đó, sau khoảng 2 – 3 giờ kiểm tra nếu thấy dư thừa thì phải vớt bỏ nếu không hạt đậu bị chua, cá ăn vào sẽ bị bệnh đường ruột. Tập cho cá ăn như vật trong khoảng 10 – 15 ngày, khi cá quen với hạt đậu tằm thì có thể cho cá ăn khắp ao. Qua so sánh có thể thấy cá chép giòn có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, so với các loại cá khác ít dịch bệnh hơn và đặc biệt sức tăng trưởng nhanh, hiệu quả tốt, giá thành cao nên thu lợi thuận tương đối khá.
“Dự kiến với gần 200 con cá chép giòn này tôi thu được khoảng 3 tạ cá. Với giá bán hiện nay từ 150.000 – 170.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí tôi thu lời ít nhất 15 triệu đồng”, anh Tiến cho biết.
Theo kỹ sư Đào Văn Trẫm – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Phong, người trực tiếp theo dõi mô hình nuôi cá chép giòn này thì phải hiểu rõ khái niệm "giòn". Thực chất, đây là khái niệm mang tính thương mại nhiều hơn tính khoa học. Cá giòn được hiểu theo nghĩa đen là cơ thịt săn chắc, thịt cá khi được nấu chín, ăn vào cảm giác dai hơn thịt cá bình thường. Tại mô hình này, khi nuôi cá bằng đậu tằm đủ thời gian (5 - 6 tháng) sẽ làm thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn. “Gọi nó là cá chép giòn vì thực chất nó là cá chép nhưng thịt không mềm, bở như thịt cá mà mà lại dai, giòn như thịt heo nạc. Tất cả là nhờ hạt đậu tằm mà ra. Khi cho cá chép thường ăn đậu tằm, chúng làm biến đổi cấu trúc cơ thịt khiến thịt cá trở nên săn giòn, có vị ngọt, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nên rất được giá. Đây là mô hình rất phù hợp trong việc thay đổi phương thức nuôi, đối tượng nuôi nhằm tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, anh Trẫm nhận định.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới anh Tiến cho biết anh sẽ tiếp tục thả nuôi cá chép giòn trên toàn bộ diện tích 3.000 m2 ao nuôi của mình. Do cá chép giòn có thời gian sinh trưởng khoảng 8 tháng nên để giảm chi phí anh sẽ thả giống có kích cỡ nhỏ hơn. Trong 4 – 5 tháng nuôi đầu, cá sẽ được cho ăn bằng các loại thức ăn công nghiệp thông thường. Khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,8 – 1 kg sẽ chuyển sang cho ăn bằng hạt đậu tằm để “hóa giòn” cho đến khi thu hoạch.
“Đây là mô hình đầu tiên, lại là tự phát của gia đình nên gia đình tôi nói riêng và người dân trong vùng nói chung rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản tỉnh trong việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như xây dựng các mô hình trình diễn để giúp người dân nắm vững kỹ thuật cũng như nhân rộng mô hình này ra diện rộng” anh Tiến tâm sự.