Người giữ quả ngọt trên đất U Minh
Khu vườn xanh tốt ngay giữa vùng đất phèn mặn là thành quả của sự quyết tâm giữ ngọt mà lão nông Quách Thanh Sử (64 tuổi, ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, H.U Minh, Cà Mau) kiên trì thực hiện trong hơn 10 năm qua.
Trồng cây ăn trái ở đất phèn mặn
Năm 1991, sau khi xuất ngũ, ông Sử trở về quê lập nghiệp. Ông tâm sự nhìn thấy mảnh đất rộng lớn của gia đình bị bỏ hoang, lòng ông không khỏi xót xa. Môi trường khắc nghiệt, đất phèn mặn nên mỗi năm gia đình ông chỉ sản xuất được một vụ lúa, nhưng cây lúa cũng cằn cỗi, năng suất kém. Từ đó, ông Sử thao thức, quyết tâm tìm ra giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với vùng đất phèn mặn để làm giàu cho gia đình. Sau khi nghe ông thổ lộ ý định muốn chuyển đổi qua trồng cây ăn trái, nhiều bạn bè đã can ngăn, bởi thời đó, ở xứ rừng U Minh chưa ai dám bỏ ruộng chuyển lên vườn. Với bản tính kiên định, không ngại khó khăn, ông Sử vẫn bắt tay thực hiện chuyển đổi hơn 2 ha đất ruộng của gia đình. “Vùng đất này là lung trũng nên phèn mặn dữ lắm. Do vậy phải đào xuống 4 - 5 lớp mới đủ đất làm bờ liếp trồng cây ăn trái để tránh ngập lụt vào mùa mưa”, ông Sử nhớ lại. Công sức của ông đã được đền đáp khi vườn cây ăn trái bắt đầu lên xanh, cá dưới ao cũng lớn nhanh và vào mùa sinh sản.
Ông Sử cho biết cách đây trên 20 năm, xứ Cà Mau không tìm đâu ra vườn nhãn, người dân có trồng thì chỉ vài cây ăn chơi, còn trái cây ở TP.Cà Mau chủ yếu là từ vùng trên đưa về tiêu thụ. Vườn nhãn của nhà ông đợt đầu thu hoạch không được bao nhiêu, nhưng tới năm thứ hai, nhãn bắt đầu sai trái. Tiêu thụ ở huyện không hết, vợ chồng chèo xuồng đưa lên TP.Cà Mau bán. “Nhãn trồng ở vùng đất phèn trái không to, bóng như những vùng khác nhưng được cái cùi dày và ngọt hơn. Thương lái Cà Mau mê như điếu đổ. Kinh tế gia đình tôi cũng phất lên nhờ đó”, ông Sử nói.
“Chiến tích” chống mặn
Năm 2005, bà con trong vùng thi nhau lấy nước mặn vào để chuyển sang mô hình tôm - lúa. Những người bạn làm vườn với ông cũng đành ngậm ngùi chuyển đổi, do vùng nước ngọt bị mặn xâm nhập, cây ăn trái không thể phát triển, sinh lợi như xưa. Không đi theo số đông, ông Sử dồn tâm sức tìm cách chống “giặc mặn” đang tấn công vườn cây của mình. “Tôi từng có ý định chuyển sang mô hình tôm - lúa, nhưng suy xét thấy hiệu quả không cao bằng làm vườn. Vả lại công sức bao năm nay lẽ nào lại bỏ ngang. Tôi quyết định giữ lại cho bằng được thành quả của mình”, ông Sử nói.
Trong khi bà con chặt cây ăn trái, ban đất vườn thì ông Sử cũng thuê người đào hệ thống ao xung quanh vườn nhà mình, kê liếp lớn. Hệ thống ao đó được ông gọi là “ao cách mặn”. Trong những ao bao quanh, ông để mực nước bằng hoặc cao hơn các vuông tôm bên cạnh một chút, còn những ao nước ngọt ở trong được ông bơm nước từ giếng khoan xuống để đảm bảo mực nước cao hơn những ao cách mặn. Bà con trong xóm cho rằng ông Sử làm việc lạ đời vì làm sao có thể giữ được vườn cây ăn trái khi nước mặn đã bao bọc bốn phía. Tuy nhiên, với cánh làm sáng tạo đó, ông Sử đã giữ được “núm” đất ngọt giữa vùng mặn mênh mông.
Với hơn 2 ha vườn, ao, ông Sử đang có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; trong đó, vườn nhãn 400 gốc mà ở cả vùng U Minh không ai có, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông còn tận dụng đất trống trồng xen vú sữa, dây thiên lý, với lợi nhuận thu về hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Dưới ao nước ngọt, ông thả nuôi cá sặc rằn, ao cách mặn nuôi cá bống tượng. Tính sơ sơ, mô hình vườn, ao mang về cho ông tổng thu nhập mỗi năm khoảng nửa tỉ đồng, một mức thu nhập mà nhiều nông dân không bao giờ dám nghĩ tới.
Ông Võ Văn Liêu, Phó chủ tịch xã Nguyễn Phích, cho biết: “Ông Sử chính là hình mẫu của người lính khi về sống tại địa phương. Việc giữ ngọt để phát triển kinh tế vườn của ông đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã nhà”.