Người Mông, Dao làm giàu từ nuôi cá trên hồ Cốc Ly
Sau 7 năm đưa vào thí điểm, nhân rộng và phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Cốc Ly và đặc biệt sau nửa năm triển khai mô hình nuôi cá tầm nước lạnh, chính quyền và người dân xã Cốc Ly (Bắc Hà) đều khẳng định tuy nhọc nhằn, vất vả, nhưng nếu kiên trì, quyết tâm đầu tư thì nghề nuôi cá lồng cũng đem lại thu nhập khá, xóa nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống đồng bào Mông, Dao địa phương.
Trải nghiệm nhọc nhằn, vất vả nghề nuôi cá lồng…
Như đã hẹn, "vua cá" Bồng Văn Tuyến chèo chiếc thuyền nhỏ đưa tôi thăm những lồng nuôi cá giữa hồ thủy điện Cốc Ly, nghe kể câu chuyện dài về cuộc mưu sinh trên sóng nước nghề nuôi cá lồng.
Điểm dừng chân đầu tiên là khu lồng cá của chính gia đình anh Bồng Văn Tuyến, người Dao tuyển thôn Thẩm Phúc. Anh Tuyến là người nuôi cá đầu tiên với số lượng lồng cá nhiều nhất xã và đã có lãi, thu nhập khá từ nghề này.
Trong câu chuyện cởi mở, anh Tuyến cho biết: "Cũng như một số hộ nuôi cá khác, ban đầu tham gia mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện Cốc Ly, do chưa có kinh nghiệm, gia đình mình cũng bị thiệt hại, thua lỗ. Trải qua thời gian được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho cá và tích lũy kinh nghiệm trong nghề, đến nay, việc nuôi cá lồng của gia đình đã thuận lợi, có nguồn thu lãi ổn định. Năm 2017, xuất bán khoảng 8 tấn cá thịt, trừ chi phí lãi trên 60 triệu đồng. Năm 2018, được lãi hơn 70 triệu đồng. Tuy khoản tiền này chưa nhiều lắm nhưng so với trồng ngô, lúa vẫn hơn. Mới lại bây giờ có kinh nghiệm nuôi rồi, không còn ngại nữa, lãi sẽ cao tăng dần khi mình mở rộng quy mô nuôi".
Mưu sinh trên lòng hồ Cốc Ly mấy năm qua, bây giờ đã có trong tay trên 20 lồng cá nhưng anh Bồng Văn Tuyến không bao giờ quên những vất vả, gian khó đã trải qua. “Nuôi cá lồng vất vả chẳng khác gì nuôi con mọn, còn đối diện với không ít rủi ro, nguy hiểm. Năm 2016, lồng cá bị thủng đáy, tôi bị xổng mất 1 tấn cá nheo. Năm 2017, trong đợt mưa bão lớn, 2 tấn cá trê phi cũng bị gió bão thổi lật lưới bay ra lòng hồ. Đêm hôm đó, hai bố con tôi đang ngủ trong lều thì mưa bão ập tới, gió thổi ù ù, nước hồ dâng cao gần 1 m, cả căn lều chòng chành, nghiêng ngả trong bão tố, hai bố con ôm chặt lấy nhau mà khóc. Nếu không có mấy sợi cáp to bằng cổ tay néo vào bờ kiên cố thì cả lều, người và chục lồng cá cũng bị cuốn bay, chìm xuống đáy hồ"- anh Tuyến chia sẻ.
Chính từ sự kiên trì, chiụ khó, ham học hỏi của anh Tuyến, cuối tháng 8/2018, gia đình anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai chọn là một trong ba hộ tham gia dự án nuôi cá tầm nước lạnh. Anh Tuyến bảo, tham gia mô hình này được chuyển giao khoa học kỹ thuật như cách làm lồng, thả lồng, chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho cá. Anh thấy nuôi cá tầm cơ bản cũng như nuôi các đối tượng khác nhưng mình phải thả lồng sâu hơn để bảo đảm độ lạnh của nước phù hợp với cá tầm, chịu khó vệ sinh lồng cá, bảo đảm nguồn nước lạnh, sạch và thức ăn chuẩn theo quy định. Đến nay lồng cá phát triển ổn định, cá thả sinh trưởng tốt, có cân nặng từ 1,2- 1,5kg/con, đợi tầm 2,5- 3kg/con bắt đầu bán tỉa đàn.
Việc triển khai thêm dự án nuôi cá tầm nước lạnh bên cạnh nuôi các giống cá thông thường như chép, trôi, trắm, mè, rô phi… sẽ đa dạng hóa nguồn cung cá đặc sản chất lượng, tạo thêm cơ hội, cải thiện, nâng cao thu nhập cho gia đình anh Tuyến nói riêng và người dân nuôi cá xã Cốc Ly, mở ra cơ hội mới xóa nghèo bền vững từ nghề nuôi cá tầm nước lạnh trong tương lai trên hồ thủy điện Cốc Ly.
Để đồng bào Mông, Dao thêm gắn bó với nghề
Anh Tuyến là chủ hộ nuôi cá trên lòng hồ có quy mô lớn, đầu tư vốn cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá, đầu tư công sức, tiền của cùng với sự kiên trì nhẫn nại nên đã có lãi, thu nhập khá từ nghề.
Còn những hộ trung bình và hộ nghèo do thiếu vốn, đầu tư chi phí thấp, thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả còn hạn chế, có vụ được vụ mất, thu nhập bấp bênh nên không còn tha thiết với nghề này nữa. Không ít hộ đã chán nản, bán lồng cá, bỏ nghề. Song từ thực tế chứng kiến sự thành công của gia đình anh Tuyến, một số hộ vẫn giữ nghề và chịu bỏ vốn đầu tư kha khá để nuôi cá và bước đầu đã có lãi, điển hình là lão nông người Dao – ông Bàn Văn Tiến, 72 tuổi, ở thôn Thẩm Phúc.
Ông Tiến trải lòng: "Biết nuôi cá vất vả song nếu chịu khó làm thì vẫn được. Tôi bắt đầu nuôi có quy mô từ năm 2016 song do chưa có kinh nghiệm lựa chọn giống cá, thức ăn nên cá còi cọc, thua lỗ 22 triệu đồng. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, rút kinh nghiệm, gia đình bỏ thêm vốn đầu tư và tham gia tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi cá, năm 2017 và 2018, gia đình đã có lãi 30- 50 triệu đồng. Bây giờ gia đình tham gia nuôi thử nghiệm cá tầm nước lạnh, mong sẽ được hơn cá thông thường".
Ông Tiến cũng khẳng định việc thiếu vốn và kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến gia đình ông và nhiều hộ dân phải từ bỏ nghề nuôi cá, vì vậy rất mong được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi và tập huấn kỹ thuật để tiếp tục gắn bó với nghề.
Ngày một nhiều hộ dân mong gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện Cốc Ly
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Cốc Ly được thử nghiệm từ cách đây 7 năm, ban đầu chỉ có một, hai hộ làm. Sau đó, năm 2014, Trung tâm Thủy sản tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Hà triển khai Dự án phát triển thủy sản nuôi cá lồng trên hồ Cốc Ly, với 34 lồng nuôi thử nghiệm, đến năm 2015 được nâng lên 92 lồng cá. Hiện nay trên lòng hồ có hơn 100 lồng cá. Chủ nhân của những lồng cá này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao thôn Thẩm Phúc và thôn Làng Mới, xã Cốc Ly. Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Cốc Ly trải qua không ít thăng trầm và chỉ những người “ăn gió nằm sương” trên lòng hồ này, ăn ngủ cùng đàn cá mới thực sự thấu hiểu. Nói về nghề nuôi cá lồng trên hồ Cốc Ly, Chính quyền và người dân nuôi cá ở đây đều khẳng định tuy nhọc nhằn, vất vả, nhưng nếu kiên trì, quyết tâm đầu tư làm tới cùng thì cũng đem lại thu nhập khá. Chính vì vậy, xã Cốc Ly xác định tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô để đưa mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện là mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Chia tay Hồ thủy điện Cốc Ly, những trải nghiệm nghề nuôi cá lồng, những câu chuyện vui buồn của các hộ dân người Mông, Dao xã Cốc Ly khiến tôi cảm phục và thêm niềm hy vọng vào sự đổi thay cho cuộc sống người dân vùng hồ, đặc biệt khi có dự án mới nuôi cá tầm nước lạnh trên lòng hồ thủy điện và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tin tưởng, người dân vùng hồ sẽ vượt qua được khó khăn, sóng gió, để những lồng nuôi luôn đầy ắp cá, mang về cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên những bản, làng tái định cư mới bên hồ thủy điện Cốc Ly…