TIN THỦY SẢN

Người nuôi cá tra bất bình với quyết định của Bộ thương mại Mỹ

Người nuôi cá tra chồng thêm khó. Thanh Tùng

Người dân và DN phản đối quyết định phi lý này; đồng thời, đề nghị Chính phủ cần đưa vụ việc ra Tòa án thương mại quốc tế Mỹ, WTO...

Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với cá tra của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, địa phương và người dân nuôi cá tra ở ĐBSCL rất lo lắng. Bởi quyết định của Bộ Thương mại Mỹ không những gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra mà còn ảnh hưởng đến nông dân nuôi cá. Qua đó, người tiêu dùng Mỹ cũng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua được loại cá này.

Tại vùng nuôi ở Châu Phú, tỉnh An Giang, thông tin tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thêm một lần nữa tạo sự lo lắng cho người nuôi cá. Bởi nhiều năm qua, người dân nơi đây nhiều lần phải chịu đựng cảnh thua lỗ do giá nuôi đã vượt mức giá bán. Tuy có điều kiện tự nhiên và môi trường thật sự thích hợp để nuôi con cá tra nhưng giá chi phí đầu vào mỗi lúc một tăng. Để sau đó, càng nuôi thì càng lỗ vốn.

Ông Trần Văn Trung nuôi cá tra đã nhiều năm lo lắng: “Đến giờ này là gượng để nuôi thôi chứ tính tổng là lỗ”.

Trước tình hình này, người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra, cá ba sa xuất khẩu sẽ chồng chất khó khăn. Nếu giá cá tra xuất khẩu tiếp tục giảm lại gánh thêm thuế chống phá giá sẽ làm cho các doanh nghiệp có đầu tư nuôi cá nguyên liệu bị thiệt hại kép. Lúc đó, người nuôi cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL phải bỏ nghề vì giá bán không đủ bù lỗ.

Thực tế cho thấy khi Mỹ chọn Indonesia là nước thứ 3 để đánh thuế chống phá giá cho cá tra, cá ba sa Việt Nam thì rõ ràng là không hợp lý. Bởi sản lượng loài cá này ở Indonesia không nhiều.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – nơi có diện tích nuôi cá tra hàng đầu trong nước nêu rõ: Mấy năm qua chúng ta đấu tranh quyết liệt. Qua quá trình đó đã khẳng định chúng ta làm ăn chính đáng bởi có nhiều doanh nghiệp có thuế suất rất thấp”.

Từ quyết định này, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra, cá ba sa filet đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng hàng chục lần. Từ chỉ vài cent/kg tăng lên tới vài chục cent đến vài USD/kg. Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ, doanh nghiệp Vĩnh Hoàn, đơn vị có doanh số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường nước này, từng được hưởng thuế suất 0%, tới đây sẽ phải chịu thuế ở mức 0,19 USD/kg. 16 doanh nghiệp khác của Việt Nam, trong đó có các công ty Bình An, Hùng Vương, Cadovimex, Anvifish, Docifish... cũng sẽ phải chịu mức thuế cao hơn từ 0,77 USD tới 3,87 USD/kg.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm qua Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Châu Âu với kim ngạch hơn 358 triệu USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá quá cao không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ mà sẽ gây tác động tiêu cực với các thị trường khác cũng như ngành nuôi cá tra trong nước. Bên cạnh đó, điều hiển nhiên khi mức thuế này áp dụng thì chính người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt hại.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang đấu tranh làm rõ. Mỹ càng gây khó khăn cho chúng ta thì cũng là gây khó cho người tiêu dùng của họ”.
Hiện nay, trước thông tin gây bất lợi cho sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chủ lực của đất nước, đa số người dân và doanh nghiệp phản đối vụ việc phi lý này; đồng thời, đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần đưa vụ việc ra Tòa án thương mại quốc tế Mỹ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để đòi một sự công bằng cho mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang ngày được cải thiện về chất lượng và giá cả.

Thanh Tùng VOV