Người nuôi cá tra vẫn treo ao
Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu các tỉnh, thành ĐBSCL, so với giữa tháng 7 vừa qua, giá cá tra nguyên liệu được các nhà máy thu mua đang tăng chút ít, lên mức 19.000-21.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với giá thành, người nuôi cá cầm chắc lỗ ít nhất 4.500 đồng/kg.
Treo ao, bỏ nghề
Lỗ lã cộng với tình trạng giá thức ăn cho cá không ngừng tăng khiến nhiều ao nuôi tiếp tục bị treo bởi qua nhiều năm thua lỗ nặng, phần lớn người nuôi đã hết vốn để tái đầu tư sản xuất. Một số khác thu hẹp diện tích để nuôi theo kiểu cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác với quy mô nhỏ để bán ở các chợ…
Tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, ông Võ Văn Đệ, người nuôi cá tra lâu năm ở đây, cho biết trước đây, gia đình ông có đến 3 ao nuôi cá nhưng do làm ăn thua lỗ kéo dài nên giờ chỉ còn giữ lại một ao nuôi. Ông Đệ cho rằng sở dĩ có nhiều hộ bỏ nghề vì giá thức ăn chăn nuôi luôn tăng cao. Một số hộ nuôi còn phải chịu lãi suất thức ăn cho cá từ 20% đến 23% (nếu mua thiếu tại các đại lý).
Tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, hầu hết hộ nuôi cá tra cũng đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì càng nuôi thì càng lỗ, còn nếu bỏ nghề thì lấy tiền đâu để trả nợ. Nhiều hộ nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa cho biết với giá cá tra nguyên liệu mà các nhà máy mua vào như hiện nay thì sau khi cất cá lên bán, chắc chắn họ phải bán luôn ao nuôi mới có thể giải quyết được nợ nần. Ông Nguyễn Văn Hùng, một người nuôi cá ở đây, cho biết năm nay ông chuyển sang nuôi cá lóc vì chi phí thức ăn không cao nên có thể kiếm được chút ít tiền lời.
Loay hoay với bài toán khó
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng để cứu ngành chế biến thủy sản và người nuôi cá tra. Trong khi chờ đợi gói hỗ trợ này để người nuôi cá có cơ hội tái đầu tư, các doanh nghiệp cũng tự “giết” nhau trong việc bán phá giá ở các thị trường xuất khẩu.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện có từ 70%- 80% doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc gần như 100% vào vốn vay ngân hàng hoặc đang “hấp hối” chờ hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Sản phẩm cá tra là thế mạnh của ĐBSCL, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, thế nhưng, người nuôi cá và doanh nghiệp luôn gặp khó. Nguyên nhân chính là do tình trạng bán phá giá liên tục xảy ra. Nhiều doanh nghiệp chào bán với giá thấp nên đã đẩy giá xuống tận đáy”.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), muốn giải bài toán bán phá giá thì doanh nghiệp phải liên kết lại tạo sức mạnh để tránh tình trạng nhà nhập khẩu ép giá. Đã đến lúc phải tổ chức và đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có điều kiện và phải xây dựng giá sàn, chất lượng sàn…, không để tự phát như thời gian qua.