Người nuôi thủy sản khó duy trì sản xuất
Thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản luôn đạt mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai. Đây cũng là ngành thế mạnh Đồng Nai đang tập trung phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, người nuôi thủy sản đang gặp khó khăn bủa vây vì giá đầu vào liên tục tăng cao trong khi giá cá bán ra liên tục dưới giá thành sản xuất nhiều tháng qua. Nhiều nông dân chỉ còn nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ ao vì thua lỗ.
Người nuôi lỗ nặng
Vài năm trở lại đây, ngành nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn thuộc tốp đầu về mức tăng trưởng so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 4,7 ngàn ha.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, lũy kế trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh đạt trên 35,7 ngàn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các loại cá nước ngọt đạt sản lượng lớn nhất với gần 31,3 ngàn tấn, tăng gần 5,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên hiện nay, người nuôi cá đang bị thua lỗ nặng do nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Giá cá bán ra tại ao nuôi thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất vẫn không tìm được thương lái thu mua.
Cụ thể, hiện giá cá chép chỉ từ 29-30 ngàn đồng/kg, cá trắm loại lớn chỉ còn khoảng 50 ngàn đồng/kg, cá tra còn từ 12-14 ngàn đồng/kg… đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 3-5 ngàn đồng/kg. Tuy giá cá bán ra rất thấp nhưng người nuôi không thể tìm thương lái thu mua, nhiều hộ nuôi, cá quá lứa xuất bán nhiều tháng nay vẫn còn trong ao nuôi, bè nuôi và nông dân đang gồng mình chịu lỗ.
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX Thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) lo lắng, do ảnh hưởng dịch Covid -19, vài tháng nay, việc tiêu thụ cá rất chậm. Hiện tại, làng bè còn hàng trăm tấn cá đến lứa hoặc quá lứa xuất bán vẫn tồn lại bè nuôi. Người nuôi cá như “ngồi trên lửa” vì giá cám và các chi phí đầu vào tăng quá cao, cá càng để càng rớt giá vì không tìm được thương lái thu mua hoặc mua rất “nhỏ giọt”.
Nuôi đạt nhưng khó bán, các hộ nuôi cạn vốn đầu tư. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Khó duy trì sản xuất
Vài tháng gần đây, thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng giá mạnh. Người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn làm đội giá thành sản xuất trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, thậm chí đình đốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến người nuôi cá lao đao, thậm chí khó duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng tổ nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) xót xa, khoảng 2 tháng trở lại đây, người nuôi cá ở vùng này hầu như không dám thả lứa cá giống mới vì thấy thị trường tiêu thụ quá khó khăn. Hiện nhiều ao người nuôi bỏ không dám cho cá ăn vì cá đến lứa xuất bán không thể tìm thương lái thu mua dù giá cá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
“Các ao nuôi của tôi tính tiền giống và chi phí thức ăn đến nay đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nhưng giờ tôi đành bỏ mặc không cho cá ăn. Vì giá cám hiện nay tăng quá cao, càng cho ăn càng lỗ, nguồn thức ăn khác như cơm thừa tận dụng từ các bếp ăn công nghiệp cũng không còn nguồn. Nhiều nông dân khác cũng bỏ cá đói vì không còn vốn đầu tư” - ông Quảng nói.
Theo người nuôi cá ở một số địa phương, hiện nay họ chỉ dám cho cá ăn cầm chừng vì giá cám liên tục tăng với mức cao trong khi giá cá bán ra càng ngày càng giảm do tiêu thụ cá ngày càng khó, thậm chí bị ùn ứ cục bộ.
Ông Nguyễn Trung Hậu, nông dân nuôi cá bè trên sông La Ngà (H.Định Quán) chia sẻ, hiện giá cá bán ra rất thấp nhưng người nuôi vẫn khó tìm được thương lái thu mua. Trong khi đó, giá cám hiện tăng thêm 20-30% so với trước. Đây là mức tăng cao nhất từ nhiều năm trở lại đây. Đa số bè nuôi cá đều thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất. Có bè buộc phải bán những lứa cá con 2-3 lạng vì không còn vốn tiếp tục duy trì sản xuất. Nhiều hộ đã ngưng nuôi cá và nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn mấy hộ duy trì được sản xuất vì càng nuôi càng thua lỗ và cũng đã cạn vốn để đầu tư.