Người nuôi tôm Quảng Ngãi chịu thiệt khi liên tục bị ép giá
Thời tiết diễn biến cực đoan, môi trường ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng. Chịu nhiều rủi ro trong đầu tư như vậy nhưng người nuôi còn phải đứng trước một cửa ải lớn khác, đó là nỗi lo về tư thương ép giá.
Ghi nhận phóng viên VTV ở vùng nuôi tôm Quảng Ngãi.
Bất kỳ lúc nào khi có yêu cầu chủ tôm phải đi khắp các góc ao chài tôm để thương lái lựa chọn. Sau gần một giờ đồng hồ chài lên thả xuống những con tôm sống được đem vào chòi để luộc. Giá cả mua tôm được quyết định sau khi tôm mẫu được luộc chín.
Anh Nguyễn Đức Vương – Hộ nuôi tôm xã Đức Minh, Mộ Đức, Quãng Ngãi cho biết: “Người dân có nuôi tôm về đích thì khó khăn mà bây giờ giá cả bấp bênh nên nuôi trong lo ngại và bán không có lời nữa. Nếu nuôi được tôm về đích mà bán giá này thì chỉ lời chút ít trong khi chi phí đầu tư quá lớn.”
Nếu thu hồ lớn nhất thì anh Vương thu được 4 tấn tôm do không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tôm sống nên anh Vương phải chập nhận bán giá tôm đá có nghĩa là mỗi tấn tôm anh Vương bị mất 15 triệu đồng tính ra 4 tấn là 60 triệu đồng, một con số không hề nhỏ.
Thị trường xuất khẩu tôm quá khắt khe còn thị trường trong nước tiêu thụ chậm, giá cả thì lại tùy thuộc vào đánh giá của người mua. Dẫu biết bị ép giá nhưng nhiều người nuôi đành chấp nhận vì ngoài bán cho tư thương thì không biết bán cho ai.
Lợi nhuận thấp, rủi ro cao khiến số lượng hộ nuôi tôm tại Quảng Ngãi giảm đi. Cùng lúc giá cả và thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm vẫn bấp bênh thì người lép vế và chịu thiệt nhiều nhất vẫn là người nuôi tôm.