TIN THỦY SẢN

Người phụ nữ đầu tiên nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La

Chị Hạnh bên khu bè nuôi cá tầm

18 tuổi rời gia đình đi làm kinh tế, chưa đầy 30 đã một mình lắp bè buôn cá giữa dòng Đà Giang hùng vĩ và nay là người phụ nữ đầu tiên nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La – đó là vắn tắt “trích ngang” của chị Vũ Thị Hạnh Lợi, Chủ nhiệm HTX Hạnh Lợi, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.

Người con gái quê lúa thành người phụ nữ đầu sóng ngọn gió

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng quê lúa huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, chị Vũ Thị Hạnh Lợi là con gái đầu trong một nhà đông em. Vừa tròn 18 tuổi, người con gái hiền lành, người chị cả đảm đang đã dám đưa ra một quyết định “động trời” - thoát ly gia đình đi làm kinh tế mới ở vùng núi cao tỉnh Yên Bái. Giờ đây, khi đã ngũ tuần, chị Lợi nhớ về những ngày tuổi trẻ của mình với những nụ cười tươi. Sau nhiều năm công tác trong cơ quan nhà nước, chị về nghỉ hưu sớm, xây dựng Hợp tác xã kinh doanh, mua bán thủy sản ngay trên dòng sông Đà tại khu vực huyện Tân Phong tỉnh Lai Châu.

Sau khi thủy điện Sơn La đóng cửa đập, chị Lợi chuyển sang nuôi cá đặc sản ở Lai Châu, nhưng hiệu quả không cao. Sau nhiều tháng ngày trăn trở, chị Vũ Thị Hạnh Lợi đã tìm đến tìm hiểu những mô hình nuôi cá tầm của một số DN trong và ngoài tỉnh học tập kinh nghiệm. Tiếp đó, qua sưu tầm tài liệu trên sách báo, qua các trang mạng, và đặc biệt nhờ được tham gia nhiều cuộc hội thảo do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về nuôi cá tầm trong lòng hồ thủy điện, chị Lợi đã hạ quyết tâm chuyển hướng tập trung vào nuôi cá tầm quy mô lớn.

Nghĩ là làm, trước tiên chị đau đáu tìm địa điểm thích hợp để nuôi được cá tầm. Khi đến khu vực chân cầu Pá Uôn huyện Quỳnh Nhai, thấy mặt nước rộng mênh mông, nước sâu và trong xanh, cộng thêm nhiệt độ quá lý tưởng, chị Lợi biết mình đã gặp được nơi muốn tìm. Một cuộc “thiên đô” đã diễn ra, đưa toàn bộ bè cá từ Lai Châu xuôi dòng xuống xây dựng mô hình trang trại nuôi nuôi cá tầm tại Sơn La.

Thành công bước đầu

Sau khi đầu tư hơn 3 tỷ đồng chuẩn bị cơ sở, tháng 11/2011 chị Lợi thả lứa cá đầu tiên 2.200 cá giống mua từ Trung tâm Giống Thủy sản Thác Bạc (Lào Cai) trực thuộc Viện nghiên cứu NTTS 1. Và hơn 120 triệu đồng tiền giống đã gần như mất trắng. Do chưa có kinh nghiệm, chị mua cá giống quá nhỏ (120 con/kg), mắt lưới lồng nuôi lại to, nên cá ra sông hết, còn lại khoảng 300 con nuôi đến hơn 1kg/con bị bắt trộm gần hết.

Không nản, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và giúp đỡ của các chuyên gia VASEP, đầu năm 2012, chị lại mua 1.500 cá giống về thả. Rút kinh nghiệm, lần này chị mua con giống lớn hơn, đầu tư lưới chất lượng cao, thuê người bảo vệ, nên lứa cá thứ hai đã phát triển rất tốt, không chết con nào.

Đến tháng 4 và tháng 5, chị tiếp tục mở rộng khu bè nuôi và thả thêm 1.500 con nữa. Khi mới nuôi theo quy trình kỹ thuật mới, không ít người dân tò mò đến xem và họ ngạc nhiên khi thấy cách nuôi cá tầm khác hẳn với thả cá thông thường. Đến nay, lứa cá thả đầu năm đã có trọng lượng từ 3,5 - 4kg/con, bán được giá 350.000 - 400.000 đồng/kg. Ngoài ra, mới đây HTX Hạnh Lợi còn xây dựng nhà nổi 1.000m2 để phục vụ khách tham quan, du lịch, kết hợp dịch vụ bán thức ăn và thuốc thú y cho người nuôi cá. Tới đây, VASEP sẽ hỗ trợ HTX làm lồng nuôi mới, hiện đại, có chất lượng tốt, tuổi thọ cao, hình thức đẹp. HTX Hạnh Lợi của chị ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai hiện có 4 công nhân, ngoài ra còn tạo việc làm cho gần chục người dân địa phương, với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo dự định, trong năm 2013, HTX sẽ tiếp tục thả lứa cá tầm mới với quy mô đến hàng chục nghìn con giống.

Yêu cá hơn thương con

Chị Lợi chia sẻ: “Các con bảo tôi là thân làm tội đời, yêu cá còn hơn thương con. Nhiều người còn bảo tôi điên, ngoài 50 tuổi, nhà cao cửa rộng, kinh tế đàng hoàng, lẽ ra chỉ việc ở nhà chơi với cháu, giờ ra đây chăm sóc đàn cá, để rồi chìm nổi không yên cũng vì đàn cá”. Nói vui là vậy, nhưng chị rất tâm huyết với nghề này. Chị cho biết những lứa cá dưới bè sẽ nuôi lớn để mọi người dân tham quan, học tập để nhân rộng mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè trên hồ thủy điện.

Chi tâm sự: “Tôi coi vùng cao Tây Bắc đây là quê hương của mình. Nhận thấy sau khi xây dựng thủy điện có quá nhiều người dân tộc, trong đó có cả bạn bè, anh chị em của mình không có một kế sinh nhai nào, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người tâm huyết với nghề nuôi cá tầm này, mong con cá tầm sẽ giúp mọi người thoát nghèo, có của ăn của để.”

Tạp chí Thương mại Thủy sản