TIN THỦY SẢN

Người tiên phong nuôi hà treo dây

Chị Nguyễn Thị Nguyệt đang xâu vỏ hà vào dây. Duy Khoa

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1982), ở thôn 2, xã Hoàng Tân là một trong những cá nhân tiêu biểu được UBND TX Quảng Yên tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Không chỉ chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyệt còn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, vận động nhân dân cùng thực hiện đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Khi chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyệt, thấy chị đang cùng các con ngồi xâu vỏ hà vào dây, vừa thoăn thoắt làm, chị vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: Những năm trước, kinh tế gia đình tôi cũng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, với chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống cũng thiếu thốn nhiều. Sau đó, gia đình tôi cũng bắt đầu nuôi hà, nhưng chủ yếu thả hà bãi hoặc cắm cây vẹt cho hà bám. Từ khi có định hướng của xã về nuôi hà treo dây, gia đình tôi đã tìm hiểu và thấy phương pháp này dễ nuôi hơn, thuận tiện cho việc thu hoạch, nên chúng tôi bắt tay vào làm. Ban đầu gia đình cũng không có vốn để đầu tư, nhưng được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã giúp đỡ vay vốn lãi suất thấp, nên tôi mạnh dạn vay để phát triển sản xuất. Đồng thời, tôi cũng chủ động học tập, chia sẻ thêm kinh nghiệm, phương pháp với các hộ dân cùng nuôi hà để tăng thêm hiệu quả, năng suất.

Hiện nay, gia đình chị Nguyệt có 1ha diện tích nuôi hà với 30.000 dây treo, nếu quá trình nuôi thuận lợi, một năm trừ chi phí cũng cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình chị còn đi biển, đánh bắt thuỷ, hải sản cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Chị Nguyệt chia sẻ thêm: Nuôi hà treo dây không tốn chi phí về mua giống, thức ăn chăn nuôi, nhưng quá trình thả dây treo hà lại đòi hỏi rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Cùng với đó, nuôi hà cũng có thể gặp rủi ro lớn, nhất là khi chuẩn bị đến mùa thu hoạch mà mưa bão về, nước dâng cao, hà ngập bùn chết là mất trắng. Có những thời điểm bão về sóng to, gió lớn, hai vợ chồng tôi phải thuê thêm người làm ròng rã cả ngày, đêm để gỡ dây hà bị quấn lên giàn. Tuy nhiên, nếu nuôi hà phát triển tốt cũng mang lại thu nhập ổn định. Nhờ nuôi hà hiệu quả, gia đình tôi đã tích luỹ xây được căn nhà mới, mua sắm được đồ dùng tiện nghi phục vụ cuộc sống.

Hiện nay, mô hình nuôi hà treo dây của gia đình chị Nguyệt đang là mô hình điểm, được nhiều hộ dân khác trong xã Hoàng Tân học tập làm theo. Chị Nguyệt còn là nhân tố rất tích cực cùng các cán bộ thôn, xã tham gia vận động người dân hiến đất, góp công, góp sức làm tuyến đường nội thôn dài 180m, thường xuyên cùng các chị em trong thôn tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hoá của xã.

Hiện nay, mô hình nuôi hà treo dây của gia đình chị Nguyệt đang là mô hình điểm, được nhiều hộ dân khác trong xã Hoàng Tân học tập làm theo. Chị Nguyệt còn là nhân tố rất tích cực cùng các cán bộ thôn, xã tham gia vận động người dân hiến đất, góp công, góp sức làm tuyến đường nội thôn...

Duy Khoa Báo Quảng Ninh, 12/10/2015