TIN THỦY SẢN

Người Việt sáng tạo thiết bị gây tê cá ngừ đại dương

Kỹ sư Phạm Duy Phượng - người sáng tạo ra thiết bị gây tê cá ngừ đại dương. Cúc Phương (Tổng hợp)

Người Việt tự sáng tạo thiết bị gây tê cá ngừ đại dương đảm bảo được chất lượng cá đánh bắt tươi và có thể xuất khẩu.

Thiết bị gây tê cá ngừ đại dương được kỹ sư Phạm Duy Phượng, Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa chế tạo thành công.

Giảng viên Phạm Duy Phượng đã chế tạo và thử nghiệm trên tàu cá PY 90612TS công suất 293CV của ngư dân Lê Tấn Hồng ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ đầu tháng 11/2014.

Anh Phượng chia sẻ: Ý tưởng chế tạo thiết bị gây tê phục vụ khai thác cá ngừ xuất phát từ khi anh được tham quan, tìm hiểu thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, anh Phượng cho biết, "Thiết bị câu cá ngừ đại dương  của Nhật Bản rất hữu ích, nhưng giá thành lên đến hàng trăm triệu đồng, lại cồng kềnh rất khó để ngư dân Phú Yên áp dụng".

Kỹ sư Phượng đã tìm cách chế tạo thiết bị gây tê có chi phí thấp hơn và tiện lợi hơn. Thiết bị gây tê của kỹ sư Phượng chỉ nặng khoảng 20kg, giá chỉ khoảng 25 triệu đồng và rất an toàn cho người sử dụng.

Thiết bị sử dụng nguồn điện 24V từ bình ắc quy, kích qua bộ xung điện với cường độ dòng điện từ 40 đến 45V. Bán kính nguồn điện phát ra chỉ khoảng 1m, nên không ảnh hưởng đến các loại hải sản khác ở ngoài bán kính này.

Khi cá dính câu và cách mặt nước khoảng 30m, thì thả thiết bị gây tê hình tròn có nối dây điện xuống nước. Thiết bị này được nối với sợi cước móc lưỡi câu mà cá đã dính phải.

Khi thiết bị này cùm miệng cá lại thì nhấn nút kích nguồn điện gây tê con cá ngay dưới nước. Thời gian kích điện chỉ 3-5 giây và chỉ mất khoảng 10 phút để đưa cá lên boong tàu nhẹ nhàng.

Sau đó, đưa cá vào thùng nước đá có độ lạnh từ 8-10 độ C và hệ thống  sục khí, ngâm khoảng 30 phút, rồi chọc tủy, mổ lấy nội tạng, rửa sạch và tiếp tục đưa cá ngâm nước đá trước khi chuyển vào hầm lạnh.

Ngư dân Lê Tấn Hồng là người thực nghiệm đầu tiên bộ thiết bị gây tê do kỹ sư Phạm Duy Phượng chế tạo, cho hay: “Chuyến biển thử nghiệm thiết bị gây tê cá ngừ chỉ mất 11 ngày, cả đi và về trong điều kiện sóng to gió lớn, nhưng tôi câu được 5 con cá ngừ đại dương với trọng lượng 340kg, chưa kể một số loại cá khác. Ngoài ra, sử dụng kèm thiết bị gây tê làm cho cá đánh bắt được không có tình trạng xô xương (cá bị hư thịt ở phần thịt gần xương) như lâu nay vẫn đánh bắt".

Ông Hồng cho biết thêm, tất cả số cá câu được đều đạt chất lượng hàng cá tươi sống, xuất khẩu và được Công ty cổ phần Bá Hải mua với giá 190.000 đồng/kg. Trong khi cá ngừ do các ngư dân khác câu được cùng thời điểm bán chỉ 115.000 đồng/kg.


Ngư dân Lê Tấn Hồng mô tả cách sử dụng thiết bị gây tê cá ngư trong khi câu.

Ngư dân Huỳnh Đức Tâm, thuyền viên tàu cá PY 90612 TS nói: "Bình thường, chuyến biển cần đến 9 thuyền viên, vì mỗi lần đưa cá lên phải tốn đến 4 người, nhưng nếu không cẩn thận thì có thể cá bị rơi xuống biển trở lại.

Trong khi sử dụng thiết bị gây tê, chỉ cần 2 người là đã đưa cá lên tàu rất dễ dàng. Thiết bị này không hề bị giật, rất an toàn.

Thực tế, với cách thực hiện câu cá ngừ đại dương có thiết bị hỗ trợ gây tê của kỹ sư Phạm Duy Phượng đã mang lại chất lượng sản phẩm cá tươi ngon hơn và còn giữ lại được nhiều hàm lượng chất trong thịt cá hơn cách câu cá thông thường mà không hề đắt đỏ.

Với thiết bị gây tê của kỹ sư Phạm Duy Phượng, mỗi chuyến biển của ngư dân hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Cúc Phương (Tổng hợp) Báo Đất Việt, 22/07/2015