TIN THỦY SẢN

Nguồn lợi cá đồng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cấu trúc đất từ việc trồng cây keo lai

Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả bước đầu tại Hội thảo diễn ra vào sáng 24/12. Thiên Trường

Sau trên 1 năm thực hiện, sáng nay 24/12, tại Sở Khoa học và Công nghệ, GS-TS Lê Tấn Lợi cùng nhóm nghiên cứu thông tin về kết quả bước đầu nghiên cứu “Đánh giá tác động của trồng keo lai đến nguồn lợi cá đồng và mật ong trong khu vực rừng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau”.

Theo đó, nhóm nghiên cứu thông tin về kết quả từ các chuyên đề của việc trồng cây keo lai ảnh hưởng đến sử dụng đất, tính chất đất và thảm thực vật, nguồn nước dưới tán rừng U Minh Hạ. Đặc biệt là tác động đến nguồn lợi cá đồng và chất lượng, năng suất mật ong, bởi đây là hai nguồn sinh lợi ngoài cây rừng, tạo việc làm và nâng cao cuộc sống cư dân vùng rừng.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy việc trồng cây keo lai trên vùng đất rừng U Minh Hạ đã gây ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của cá đồng, bởi đã làm thay đổi cấu trúc đất, tăng hàm lượng pH trong nước. Việc kê liếp trồng rừng thâm canh đã làm biến động tính chất của đất, từ đó ảnh hưởng bất lợi đến môi trường.

GS-TS Lê Tấn Lợi cho biết, đây chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu, rất cần có thời gian để có thể đánh giá một cách tổng quan, xác thực về tác động của việc trồng cây keo lai trên vùng đất U Minh Hạ, để từ đó phương thức canh tác, quy hoạch sản xuất một cách phù hợp cả về vị trí, diện tích, tránh làm thay đổi môi trường, sinh kế dưới tán rừng tràm, mang lại lợi ích kinh tế hài hòa.

Đây là công trình nghiên cứu thuộc nhiệm vụ đề tài khoa học - công nghệ được UBND tỉnh Cà Mau “đặt hàng” Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Thiên Trường Báo Ảnh Đất Mũi, 24/12/2015