Nguy cơ ngộ độc so biển
(tepbac) Ngày 5/4/2013, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã tiếp nhận bệnh nhân Nghiêm Thị Uyên (16 tuổi) ở tổ dân phố số 2, phố Điện Biên, Đồng Tiến 2, phường Bàng La, Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng do ngộ độc. Bố bệnh nhân là Nghiêm Danh Hiền, 52 tuổi đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Kết quả kiểm tra mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân trúng độc tố tetrodotoxin chứa trong con so biển . Sự việc này một lần nữa làm dấy trong dư luận nỗi lo ngộ độc do nhầm lẫn giữa sam và so.
Thế giới đã ghi nhận được có bốn loài sinh vật biển thuộc họ sam. Trong đó xuất hiện phổ biến tại các vùng biển Việt Nam là loài Tachypleus tridentatus (còn gọi con sam hay sam đuôi tam giác…) và Carcinoscopius rotundicauda (còn gọi con so hay sam lông…).
Sam là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, một số nghiên cứu còn cho thấy trong máu sam có chứa hoạt chất sinh học như: limulus amoebocyte lysate, lectin, tachyplesin I... có tính ứng dụng cao trong bào chế dược và kỹ thuật y khoa.
Ảnh: sam biển có tiết diện cắt ngang đuôi hình tam giác
Trái lại, so là loài cực độc. Trong so có chất tetrodotoxins, là độc tố thần kinh rất mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, làm ngưng thở, dẫn đến tử vong, ngay cả với liều độc thấp, hiện nay vẫn chưa có thuốc giải. Tetrodotoxin tập trung ở gan, nội tạng, da và tuyến sinh dục của so biển. Đặc biệt, độc tính ở con so biển cái cao hơn nhiều so với con đực (vì nồng độ độc tố có chứa rất nhiều ở buồng trứng).
Sam trưởng thành có trọng lượng trung bình từ 1,5-2 kg, so thường nhỏ hơn với chiều dài thân từ 20-25 cm, trọng lượng dưới 1kg. Tuy nhiên, để phát triển thành cá thể có kích thước trưởng thành, sam cần thời gian khoảng 10 năm, do đó rất có thể so sẽ bị nhầm với những con sam còn non.
Đặc điểm phân biệt dễ nhất là quan sát hình dạng đuôi: tiết diện cắt ngang của đuôi sam có hình tam giác, dọc chiều dài đuôi của sam thường có các gai đuôi. Còn tiết diện cắt ngang của đuôi so có dạng hình trứng hay tròn, trên đuôi thường không có gai đuôi. ngoài ra, trên mình sam có nhiều khoanh tròn dọc từ đầu đến đuôi, còn khoanh tròn trên mình so biển thường cách đuôi từ 3 cm - 4 cm.
Một điều đáng lưu ý khác là không chỉ sam mới đi thành cặp. Vào mùa sinh sản (tháng 4 – tháng 7) so cũng bám cặp, con đực bám trên con cái.
Ngộ độc do nhầm lẫn giữa thịt sam và so khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung và các tỉnh Đồng bẳng sông Cửu Long. Khi bị ngộ độc do so biển, cần uống nhiều nước và tìm cách gây nôn hết thức ăn trong dạ dày và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sam và phải chắc chắn là sam mới sử dụng.