Nguyên nhân nào làm tôm bị vàng gan?
Gan là bộ phận quan trọng trên cơ thể tôm, nếu gan tôm phát sinh vấn đề như bị vàng gan sẽ khiến tôm chết hàng loạt. Vậy làm sao để xác định nguyên nhân tôm bị vàng gan, cách phòng ngừa và điều trị như thế nào để khắc phục tình trạng trên, cùng tìm hiểu với Tép Bạc qua bài viết dưới đây nhé!
Nhận biết gan tôm đẹp, không nhiễm bệnh
Trước khi tìm hiểu các dấu hiệu gan tôm bị nhiễm bệnh, bà con cũng cần nên hiểu rõ một gan tôm khỏe mạnh là như thế nào? Đối với màu sắc sẽ thường có màu nâu vàng hoặc nâu đen. Dịch gan khi bóp gan ra sẽ có dịch màu nâu vàng sệt, không bị chảy. Về mùi, có mùi tanh nhẹ đặc trưng.
Đặc biệt khi nhìn từ ngoài vỏ giáp, thấy màng bao gan màu vàng nhạt bọc 1/2 gan dưới. Hình dạng rộng tới hai mép mang, dài ngang cổ giáp, rõ ràng sắt nét. Người nuôi sẽ thấy rõ dạ dày hình hạt gạo có màu đen, nâu đen rõ rệt.
Nhận biết gan tôm bệnh vàng gan
Khi bị nhiễm bệnh vàng gan, tôm sẽ có một số dấu hiệu nhận biết rõ nhất như:
– Gan có màu vàng ngói hoặc đỏ ửng, sưng phù lên.
– Khuẩn gan cao >800 cfu/ml
– Ruột tôm lỏng, đứt khúc, có mủ đuôi
– Màu sắc bất thường: vàng, nhợt nhạt, hồng, đen, xanh…
– Gan teo: teo nhỏ lại, màu đen, khối gan tụy dai, khó tách.
– Gan bè: gan bị xuất huyết, kích thước rộng quá hai mép mang, màng bao gan mờ nhạt. Khi kiểm tra thấy ống gan vỡ, có dịch màu vàng tanh.
– Soi tươi trên kính sẽ thấy giọt dầu không đều trong ống gan, ống gan teo lại, thể Vermiform xuất hiện.
Những nguyên nhân chính gây nên
Nguyên nhân do yếu tố môi trường ao tôm
Thời tiết nắng nóng kết hợp những cơn mưa bất chợt trong nhiều giờ và sau đó nắng gắt trở lại,.. Nước ao tôm quá trong hoặc mực nước ao quá thấp làm ánh nắng chiếu mạnh xuống đáy ao, gia tăng nhiệt độ trong ao.
Độ pH là chỉ số quan trọng bậc nhất, khi pH giao động đột ngột sẽ làm tôm dễ bị sốc, thậm chí khi pH quá thấp tôm sẽ lột đồng loạt và không cứng vỏ. Trong khi pH cao sẽ làm tôm giảm ăn, gan tụy yếu và thuận lợi cho khuẩn hại phát triển.
Hàm lượng oxy hòa tan là nguồn sinh dưỡng giúp tôm duy trì sự sống. Nếu thiếu oxy tôm sẽ rối loạn quá trình phát triển, hấp thu - đào thải và lưu thông của máu.
Nguyên nhân do lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm
Thực tế trong quá trình nuôi, hầu hết ai cũng biết không kháng sinh, thuốc tây,.. sẽ nuôi tôm rất khó đạt hiệu quả, đặc biệt vào những giai đoạn đầu. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào, khi nào nên sử dụng, liều lượng ra sao,.. Đó là những điều bà con cần nên nắm chắc để tránh tình trạng kháng sinh bị lờn hoặc quá liều gây suy gan và teo gan cho tôm.
Nguyên nhân do thức ăn và lượng thức ăn cho tôm
Quá trình bảo quản thức ăn đã bị ẩm mốc sẽ phát sinh độc tố mycotoxin hay Aflatoxin… gây viêm gan, vàng gan và sưng gan trên tôm.
Cho tôm ăn nhiều và quá tải, khi tôm còn nhỏ hoặc đang trong quá trình điều trị bệnh sẽ làm tôm bị vàng gan, sưng gan dẫn đến teo gan.
Nguyên nhân làm tôm bị vàng gan, sưng gan, teo gan do khuẩn và ký sinh trùng
Vi khuẩn Parahaemolyticus là một loại vi khuẩn chuyên gây bệnh về gan và ruột hay nói cách khác nhóm vi khuẩn này sẽ gây ra hội chứng chết sớm trên tôm. Biểu hiện, tôm sẽ bị vàng gan, sưng gan và sau cùng là teo gan, trống ruột. Bên cạnh đó, các nhóm ký sinh trùng như Vermiform hay Gregarine cũng góp phần làm gan tôm suy yếu, tôm giảm hấp thu và tạo điều kiện thuận lợi cho hại khuẩn tấn công.
Nguyên nhân do tảo độc và nấm trong ao tôm
Trong ao nuôi thông thường sẽ có 5 ngành tảo chính, chia thành 2 nhóm:
Nhóm 1 tảo có lợi không chứa độc tố, ít gây hiện tượng nở hoa gồm: Tảo lục, tảo khuê.
Nhóm 2 tảo có hại gây hiện tượng nở hoa, lợn cợn, có nhiều chất độc gồm: Tảo lam, tảo giáp, tảo mắt.
Cơ chế làm gan tôm suy yếu diễn ra khi độc tố tảo, nấm xâm nhập vào tôm, gan tôm phải giải độc và bài trừ các độc tố, gây rối loạn chức năng và teo gan
Nguyên nhân gây vàng gan, sưng gan trên tôm do hàm lượng kim loại nặng
Trong vụ nuôi, nếu ao nuôi chứa hàm lượng kim loại (phèn) quá nhiều sẽ làm tôm tăng quá trình tích lũy và đào thải, gây stress, oxy hóa và sinh ra nhiều bệnh gan trên tôm.
Biện pháp phòng ngừa tôm nhiễm bệnh vàng gan
- Con giống phải được kiểm tra PCR sạch về các bệnh: TSV, EHP, ỨD, ,Apnd,...
- Cho tôm ăn vừa phải và đúng liều lượng
- Duy trì pH trong ao ở ngữơng thích hợp 7,5 - 7,9
- Sử dụng vi sinh hàng ngày để ổn định tảo, tránh để nước ao bẩn làm tảo nở hoa.
- Tiến hàng diệt khuẩn, nấm và ký sinh trùng định kỳ trong ao
- Cho tôm ăn các loại thảo dược tốt cho gan hàng ngày giúp gan tôm nâu đen, duy trì được màu gan tốt nhất.
Bà con nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tôm nhiễm bệnh vàng gan, vì khi bệnh đã xuất hiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tôm sau này. Ngoài ra, khi tôm đã nhiễm bệnh sẽ phải tốn rất nhiều chi phí chữa trị, gây tổn thất thêm trong vụ nuôi.