Nguyên nhân tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định có nguy cơ bị phá sản
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 11 chủ tàu vỏ thép mới được bàn giao đưa vào hoạt động chưa lâu đã có nguy cơ bị phá sản do làm ăn kém hiệu quả, rủi ro và chất lượng đóng tàu không đảm bảo, nhanh hư hỏng thiết bị phải lên nằm bờ chờ sửa chữa.
Vì thời gian bám biển ít, thậm chí nhận tàu do lỗi thiết kế về kỹ thuật không phù hợp cho từng loại tàu và loại lưới khai thác, nên nhiều tàu nhận bàn giao nhưng phải bổ sung thiết kế và cải tạo lại mới có thể ra khơi được.
Vì vậy, hầu hết các tàu đều có nguồn vốn vay khá lớn từ 15-18 tỷ đồng/tàu. Dĩ nhiên chưa đưa vào hoạt động hoặc hoạt động khai thác ít do trục trặc kỹ thuật… nên hiệu quả kinh tế chưa có bao nhiêu, trong khi đó lãi vốn vay phải trả ngày càng tăng, nên nhiều chủ tàu đã chậm trả nợ cho ngân hàng và nếu thời gian kéo dài sẽ dễ dẫn đến phá sản.
Mặt khác, khi kéo dài thời gian trả nợ sẽ bị chuyển nhóm nợ theo quy định, đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất theo quy định. Đồng thời, dư nợ quá hạn của các khoản vay sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình triển khai cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cũng như hoạt động kinh doanh của các đơn vị.
Một số tàu hết thời hạn hạn kỳ mua bảo hiểm theo năm, như tàu của ông Nguyễn Việt Hằng (bảo hiểm đã hết hạn từ ngày 14/2/2017) nhưng đến nay chủ tàu vẫn chưa mua lại và theo Nghị định 67 và 89/NĐ-CP thì chủ tàu được hỗ trợ đến 90 % phí bảo hiểm.
Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm PJICO cho rằng Chương trình đang chờ hướng dẫn tiếp của Bộ Tài chính đối với những tàu đến hạn bảo hiểm thì trước mắt chủ tàu phải chịu nộp 100% phí mua bảo hiểm (khoảng 120 triệu đồng/tàu) và sau này Bộ Tài chính có hướng dẫn thì Bảo hiểm sẽ hoàn lại sau. Nhiều chủ tàu than thở mức phí này là quá cao và vượt ngoài khả năng tài chính của họ.
Ngoài ra, chủ tàu còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục để được công ty bảo hiểm bồi thường. Ví dụ như chủ tàu Nguyễn Thư, Hoài Nhơn, do tàu đi khai thác gặp sự cố sóng to đánh chìm ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu từ tháng 11/2016 đến nay chưa có phương án trục vớt được.
Một số cơ sở đóng tàu như Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu Nam Triệu, chất lượng và kỹ thuật đóng tàu chưa đảm bảo. Theo hầu hết các chủ tàu, tàu đóng tại các công ty này mới đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã xuống cấp và có những tàu sau khi bàn giao nhưng theo thiết kế không phù hợp cho đánh bắt của từng loại lưới, buộc phải nằm bờ để cải tạo lại. Có trường hợp thiết kế kho lạnh dưới tàu không đảm bảo ảnh hưởng đến sản phẩm buộc phải sửa chữa tốn kém thời gian, công sức và tiền của.
Ông Phạm Minh Vương, chủ tàu 99144 -TS huyện Phù Cát cho biết, tàu sau khi bàn giao đến nay mới đi biển được 10 ngày thì gặp sự cố tàu bị hư hỏng và phải kéo vào nằm bờ gần hai tháng nay. Ông Minh đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu Nam Triệu đến sửa chữa, nhưng vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía công ty.
Ông Trần Văn Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát cho biết thêm, để giải quyết những khó khăn vướng mắc, nhất là nợ quá hạn và việc sửa chữa tàu bị hư hỏng trong quá trình khai thác (tất cả tàu còn trong diện bảo hành theo quy định), lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo lãnh đạo các địa phương vận động ngư dân trả lãi cho ngân hàng. Nếu quá hạn trả lãi thì ngư dân sẽ thiệt thòi không còn được hưởng lãi suất ưu đãi theo quy định. Lãnh đạo huyện sẽ tích cực can thiệp với các cơ sở đóng tàu cần khẩn trương giải quyết và khắc phục các sự cố cho tàu để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.
Để giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 67/2014/CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định Nguyễn Trà Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cho các công ty bảo hiểm tàu cá vay vốn theo Nghị định 67/2014/CP.
Một số chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67/2014/CP với thời hạn vay 11 năm, trả nợ gốc phân kỳ theo thỏa thuận. Tuy nhiên theo Nghị định 89/2015/NĐ-CP cho phép kéo dài thời hạn vay lên 16 năm và các chủ tàu đều có nguyện vọng điều chỉnh vốn vay từ 11 năm lên 16 năm nhằm giảm bớt áp lực trả nợ do số tiền đầu tư đóng tàu rất lớn.
Bộ Tài chính cần xem xét và có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả do các nguyên nhân chính như công ty đóng tàu không bàn giao tàu đúng thời hạn ký kết; giao tàu chất lượng kém, thiết kế không phù hợp thực tế và phải tốn thời gian sửa chữa, kéo dài thời gian ra khơi của ngư dân và do ảnh hưởng của thiên tai, rủi ro trên biển..